Viện Môi trường Nông nghiệp làm việc với tổ chức Thanks Carbon và Ecoeye Hàn Quốc

Cập nhật vào ngày: 04 / 10 / 2023

Ngày 13/09/2023, đại diện tổ chức Thanks Carbon gồm Mr Doo Byung Park và Mrs Hye Young Jin, đại diện tổ chức Ecoeye là nhà đầu tư gồm: Mrs Hay Yeong Lee và Mrs Hye Won Chung đã đến thăm và làm việc với Viện Môi trường Nông nghiệp (Viện). Tiếp đón và làm việc với đoàn có PGS.TS. Mai Văn Trịnh, Viện trưởng và các lãnh đạo, cán bộ nghiên cứu thuộc Bộ môn Hóa Môi trường và Bộ môn Mô hình hóa & Cơ sở dữ liệu. Nội dung chủ yếu của buổi làm việc là trao đổi về “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ số trong quản lý nước tiết kiệm và giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa – giai đoạn 2024-2026”, đi thăm điểm trồng lúa nước áp dụng công nghệ tưới khô ướt xen kẽ (AWD) ở một số tỉnh trồng lúa  vùng Đồng bằng sông Hồng và ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác giữa Thanks Carbon và Viện.

Trong buổi làm việc, hai bên đã trao đổi về một số nội dung: i) xây dựng mô hình canh tác lúa tưới nước khô ướt xen kẽ (AWD), hiệu chỉnh và kiểm định mô hình giải đoán ảnh vệ tinh để xác định mực nước trên ruộng lúa phục vụ tính toán kiểm kê khí nhà kính; ii) cấp chứng nhận các-bon cho các cá nhân/tổ chức canh tác lúa phát thải thấp; iii) giúp các cá nhân/doanh nghiệp/HTX sản xuất lúa phát thải thấp giao dịch bán tín chỉ các-bon.

Trong 02 ngày từ 14 – 15/09/2023 đoàn cũng đã làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của 05 tỉnh gồm: Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Hải Dương và Vĩnh Phúc để đi thăm cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa, tìm hiểu và trao đổi về quy trình sản xuất lúa cũng như hiện trạng và phương hướng áp dụng kỹ thuật canh tác lúa tiết kiệm nước của các địa phương.

Trên cơ sở kết quả chuyến đi sẽ lựa chọn các địa điểm phù hợp để xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật trồng lúa tiết kiệm nước giảm phát thải khí nhà kính. Với mô hình này công ty Thanks carbon và Viện sẽ thử nghiệp giám sát chế độ quản lý nước trên ruộng lúa bởi áp dụng phần mềm giải đoán ảnh vệ tinh kết hợp với đo độ ẩm đồng ruộng bằng các sensor cảm biến độ ẩm đất, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Đoàn cũng thăm và làm việc tại Công ty xuất khẩu gạo An Đình để thảo luận về i) gói kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải KNK, mà công ty đã và đang áp dụng trên 3000 ha lúa tại Đồng bằng Sông Hồng và khoảng 7000 ha lúa tại Đồng bằng Sông Cửu Long; ii) cơ hội cấp chứng nhận phát thải carbon thấp và bán tín chỉ các-bon cho các sản phẩm lúa gạo phát thải thấp của công ty An Đình, nhằm tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa, tăng lợi nhuận cho công ty và đặc biệt góp phần giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.

Một số hình ảnh chuyến thăm và làm việc tại 05 tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Công ty xuất khẩu gạo An Đình:

TS. Vũ Dương Quỳnh