Giáo sư Bùi Huy Đáp - Cây đại thụ của nông nghiệp Việt Nam
Khi đã chọn một nghề ai cũng có những người thầy để mà noi theo, với sinh viên Nông nghiệp thập kỷ 1950-60 chúng tôi không ai không ngưỡng mộ GS Bùi Huy Đáp, một nhà khoa học lớn, người đặt nền móng cho nền canh nông nước nhà. Sau này phân ngành trong đào tạo, ra làm việc mỗi người một chuyên ngành hẹp hơn, có dịp đi sâu hơn, lại tìm thấy những người thầy đáng kính ở mỗi lĩnh vực. Nhưng ai cũng thừa nhận ở tầm chiến lược khoa học nông nghiệp thì GS Bùi Huy Đáp quả là một cây đại thụ, cả về lý luận và thực tiễn, cả về cống hiến và đạo tạo những nhà nông học lớp sau trong suốt hơn 70 năm qua.
1. Từ một học trò xuất sắc đến người thầy uyên bác
GS Bùi Huy Đáp học khóa 1 trường Đại học Canh nông Đông Dương cùng với các vị Cù Huy Cận, Nghiêm Xuân Yêm, Ngô Tấn Nhơn, …những người lãnh đạo đầu tiên của ngành Nông nghiệp nước ta. Trong số đó, Bùi Huy Đáp là trường hợp rất điển hình từ gia đình nông dân nghèo, tự lực bằng trí tuệ mà vươn lên nắm lấy cơ hội học vấn Đông -Tây kim cổ; từ quê lúa thiếu đói triền miên, đem công trình của mình trở về giúp nông dân đưa nghề trồng lúa Việt Nam lên tầm thế giới.
Như tự sự của ông trong “Cuộc đời khoa học nông nghiệp của tôi” (Nxb Thanh Niên, 2003), từ nhỏ Bùi Huy Đáp đã là cậu bé trác việt, học “nhảy cóc”, bỏ qua lớp Đồng ấu, vào lớp Dự bị, bỏ qua 2 lớp trung gian để vào lớp Nhất; rồi phải xin ngoại lệ thi trước qui định 1 năm, và đỗ Sơ học yếu lược (Certificat) khi mới 12 tuổi. Ông đỗ đầu vào trường Bưởi, được miễn học phí và đỗ Sơ học Cao cấp (Diplôme) ngay lần thi đầu khi mới 16 tuổi, tiếp theo nhận được học bổng toàn phần 3 năm để rồi lại đỗ thủ khoa Tú tài. Đường “lên đỉnh Olympia” của ông thật ngoạn mục.
Trở thành sinh viên trường Đại học Nông lâm Đông dương, ông được thụ giáo những nhà khoa học lớn như P. Gourou, J. Fromaget, Y. Henry, R. Dumont, E.M. Castagnol; đại diện của trường phái Pháp về nông học nhiệt đới ở đây còn có các thầy Thạc sĩ, Tiến sĩ, trưởng Bộ môn nghiên cứu của Viện Khảo cứu Nông lâm Pháp (IRAFI, sau thành IRAI, tiền thân của Viện Khảo cứu Nông nghiệp Quốc gia Pháp - INRA ngày nay). Ảnh hưởng trực tiếp hơn có lẽ là Pièrre Gourou, giáo sư Đại học Hà Nội, giảng dạy và nghiên cứu địa lý, canh nông, lịch sử văn minh. Ông là Thạc sĩ sử - địa, Tiến sĩ văn chương, Ủy viên thông tấn Viện Viễn đông Bác cổ Pháp, có các công trình như “Xứ Bắc Kỳ” (1931), “Nhà ở Việt Nam - miền Tây và Trung Trung Kỳ” (1936), “Sử dụng đất ở Đông Dương thuộc Pháp” (1940), “Đất và người ở Viễn Đông” (1940), “Lúa và văn minh trồng lúa” (1984)... P. Gourou đã điều tra thực địa, tiếp xúc với nông dân, chú ý đến cấu trúc gia đình, tín ngưỡng tôn giáo… Công trình “Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ" của ông là một nghiên cứu địa lý nhân văn, một tác phẩm đặc sắc về đất nước và con người ở châu thổ sông Hồng, cái nôi của nền văn minh lúa nước Việt Nam.
Bùi Huy Đáp tốt nghiệp Kỹ sư nông nghiệp nhiệt đới khóa đầu “P.Carton”. Tấm bằng danh giá là vậy, nhưng chỉ mới là điều kiện cần chứ chưa phải là đủ cho hành trang vào nghề của ông như nhận xét của thân mẫu ông, một bà mẹ-nông dân tinh tường, rằng vị tân khoa con bà chỉ “…mới là kỹ sư canh nông đường nhựa !”. Vậy là vâng lời cha mẹ, ông lại thụ giáo bác lão nông Xã Xướng và các “giáo sư” nông dân trên đồng ruộng thôn Bách Cốc quê nhà. Chính đây là điểm hội tụ của giáo dục nông học Pháp tiên tiến với tinh túy Văn minh lúa nước Việt làm nên một Bùi Huy Đáp vừa uyên thâm trong lý luận, vừa sáng tạo trong thực tiễn sau này.
2. Công lao đào tạo đội ngũ chuyên gia nông nghiệp
Thể nghiệm từ việc học đi đôi với hành của chính mình, ngay sau khi nước nhà độc lập ông đã tính ngay đến việc đào tạo thế hệ sau. Trong Kháng chiến chống Pháp, với đề xuất và tài tổ chức của ông, các trường Trung học Canh nông mở ra liên tiếp, ở Huế (1945), Liên khu IV (1947), Liên khu V (1947), Việt Bắc (1948). Hòa bình lập lại ở Miền Bắc, đã thành lập trường Trung cấp Nông lâm ở Chèm (1956), rồi Đại học Nông Lâm ở Trâu Quì (1956) là những nơi ông dốc sức huấn luyện các chuyên gia mà sau này trở thành nòng cốt cho khoa học nông nghiệp nước nhà. Ông tham gia đào tạo 5 khóa kỹ sư đầu tiên (1956-1961); ngoài ra còn thỉnh giảng ở các trường Đại học lớn ở 3 miền, giảng các lớp đặc biệt về sinh học, nông học, triết học, tiến hóa luận, phương pháp nghiên cứu khoa học,… Có thể nói học viên của ông hết sức đông đảo, thuộc đủ tầng lớp từ người nông dân cho đến nghiên cứu viên và các cán bộ cao cấp.
Nét đặc sắc trong tổ chức nghiên cứu và truyền bá kiến thức của ông là gắn lý luận khoa học với thực tiễn phát triển đạt tới nghệ thuật sư phạm cao. Ở hoàn cảnh nào ông cũng tạo ra được môi trường dạy-học gắn liền với nghiên cứu, phát huy sáng tạo của cả thầy và trò. Đáng tiếc, đã có lúc hệ thống chỉnh thể do ông tạo dựng đã bị phân cắt một cách máy móc làm giảm hiệu quả, rồi lại phải sửa sai, mà việc tách-nhập các viện, trường nông nghiệp là một ví dụ.
Thật thú vị, khi có thể giao lưu quốc tế rộng hơn, chúng ta tiếp nhận các phương pháp như RRA[1] (điều tra nhanh nông thôn), FFR (nghiên cứu trên đồng ruộng nông dân), FFS (lớp học thực địa) thì nhận ra rằng, về bản chất, không khác những phương pháp nghiên cứu nông nghiệp và nông thôn mà GS Bùi Huy Đáp đã sử dụng và hướng dẫn thực hành từ mấy chục năm trước (có thể lấy rất nhiều dẫn chứng trong các hồi ký của ông và các học trò). Các cách tiếp cận này được ông khái quát “Hỏi nông dân, hỏi cây cỏ; Khoa học từ quần chúng mà ra, trở lại phục vụ quần chúng”.
3. GS Bùi huy Đáp và những cống hiến cho nông học nhiệt đới ẩm
Trước tác của Bùi Huy Đáp là một công trình đồ sộ bậc nhất Việt Nam, cả về khối lượng, tính đa dạng bách khoa, tính kinh điển giáo trình và tính phổ thông truyền bá tri thức, chuyển giao công nghệ. Các giảng viên có thể tìm thấy ở đây những tri thức cơ bản để biên soạn giáo trình; các sinh viên có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo nâng cao; nhà quản lý có thể học được cách tổ chức nghiên cứu và đào tạo; người nông dân có thể học các tiến bộ kỹ thuật.
Ngay từ khi mới vào nghề, làm kỹ sư công nhật rồi phó kỹ sư nông nghiệp của Sở Canh nông Trung Kỳ tại Huế, ông đã viết báo cáo chuyên đề "Nghề trồng cây ăn quả ở Trung Kỳ", được Phủ Toàn quyền xuất bản bằng tiếng Pháp, khởi đầu cho hơn 100 cuốn sách khoa học và hơn 1.000 bài báo về sinh học, triết học và phương pháp nghiên cứu, về nông nghiệp vùng nhiệt đới Việt Nam và Đông Dương. Ông dịch một số sách từ tiếng Pháp sang tiếng Việt và các kết quả nghiên cứu của ông cũng được dịch ra tiếng nước ngoài.
Tổng quan tài liệu, cập nhật thông tin và kết quả khảo sát luôn được ông văn bản hóa kịp thời nên vừa có tình thời sự vừa có giá trị biên niên lâu dài. Ở bất cứ đâu ông đều điều tra các tri thức bản địa, tổng kết kinh nghiệm truyền thống của nông dân địa phương. Những năm 1950, trong điều kiện ngặt nghèo, ông vẫn cho ra đời các tác phẩm như “Phân bón trong nghề nông” (1950), sách phổ biến kỹ thuật “Phân bắc, nước giải” tạo nên phong trào sạch làng tốt ruộng khi mà phân đạm khoáng chưa hề có, còn phân lân chỉ sử dụng ở dạng bột thô (“Quặng ơi ta nghiền mày ra, ta làm phốt-phát ta pha luống cày” như lời một bài hát thời đó).
Riêng về lúa, 2 cuốn “Cây lúa miền bắc Việt Nam” (1964) và “Cây lúa Việt Nam” (1981) mang tính kinh điển và thuộc loại “bách khoa toàn thư” của nghề trồng lúa nước. Ngoài ra còn có: “Lúa Việt Nam trong vùng Nam và Đông Nam châu Á (1978), "Văn minh lúa nước và kĩ thuật trồng lúa Việt Nam" (1985), “Ca dao tục ngữ với khoa học nông nghiệp”(1999), “Nông nghiệp Việt Nam bước vào thế kỷ 21” (1998). Đối tượng nghiên cứu của ông rất rộng rãi, ngoài cây lúa, ông cũng nghiên cứu các loại ngô, khoai, sắn, đậu đỗ,…từ rất sớm, tổng kết trong cuốn “Hoa mầu lương thực”. Ông đã tư vấn cho các nghiên cứu khoa học về chuyển vụ bông, mở rộng vùng trồng bông, v.v.
Ông có năng lực nắm bắt và tổng kết thực tiễn rất sắc sảo và mau lẹ. Ngay từ năm 1976, có dịp vào đồng bằng sông Cửu Long, nói chuyện với bà con nông dân (đầu tiên ở An Giang), trao đổi với các nhà khoa học và với kinh nghiệm chuyển mùa vụ của mình, ông đã để xuất chuyển đổi từ 1 vụ năng suất thấp (chỉ 1,5 – 1,6 tấn/ha) sang hệ thống mới gồm: vụ lúa Đông – Xuân; vụ Hè-Thu và một phần lúa mùa để đưa năng suất cả năm lên gấp khoảng 4 lần. Kiến nghị này được Chính phủ chấp nhận đưa vào kế hoạch các tỉnh và ngay sau đó diện tích lúa Đông-Xuân và Hè-Thu ở Tây Nam Bộ mở rộng xa hơn mong đợi của ông, đưa sản lượng lúa của vùng lên cao gấp bội.
Bùi Huy Đáp là người không chấp nhận những giáo điều và kiên trì phương châm thực tiễn là cái thước kiểm nghiệm chân lý. Có nhiều dẫn chứng, chẳng hạn như ông đã sớm thấy hệ thống kỹ thuật trồng bông cơ giới hóa cao của Trung Á không tương thích với điều kiện Bắc Việt Nam và việc bê nguyên kỹ thuật này vào 3 điểm ở miền Bắc đã thất bại chỉ sau 1 vụ. Tương tự, ông cùng bác sĩ Lương Định Của nhận ra ngay biện pháp “cấy dồn lúa” là phản khoa học và năng suất lúa mà truyền thông Trung Quốc đưa ra là không tưởng. Cần mở ngoặc rằng lúc đó có bài thơ đã viết: “Nghe lúa ở Trung Hoa mỗi mẫu là mười bảy tấn, đang bàng hoàng chưa nghĩ kịp bài ca, mười bốn ngày sau bỗng nghe lúa Trung Hoa, mỗi mẫu là hai mươi mốt tấn,…Lúa ơi lúa, ngươi tỏa mừng tha thiết, ngươi lùa vào tâm trí của ta. Ngươi nói tin mừng, ôi cây lúa Trung Hoa !”[2]. Trong lúc phong trào “Nhảy vọt” ở Trung Quốc đang nóng, một số người hối thúc thử nghiệm “cấy dồn lúa” ở Việt Nam, ông vẫn bình tĩnh đề xuất cấy dầy vừa phải và thực tế chứng minh là ông đúng.
Dấu ấn Bùi Huy Đáp rất rõ nét trong tổ chức hệ thống nghiên cứu và xây dựng đội ngũ. Ở mỗi thời kỳ, tùy theo hoàn cảnh, các viện nghiên cứu được thành lập, tùy số cán bộ giảng dạy và sinh viên hiện có mà định qui mô, bộ môn, khoa, rồi phát triển lên hoàn chỉnh. Có khi ông yêu cầu cán bộ làm ở thực địa về Viện bổ túc kiến thức khoa học cơ bản, học định kỳ, diễn ra trong suốt 1 năm. Chương trinh đào tạo luôn luôn gắn liền với đề tài nghiên cứu, coi đó là môi trường thực hành; ngược lại công tác nghiên cứu cũng dựa vào đội ngũ thầy trò của trường mà mở rộng, cung cấp thực liệu cho giáo trình. Tính thích ứng hoàn cảnh, tính cơ bản và tính phục vụ cũng như sự kết hợp song hành giữa nghiên cứu và giảng dạy là nét đặc trưng trong đào tạo nguồn nhân lực của GS Bùi Huy Đáp.
Về phương pháp nghiên cứu, ông là một tấm gương cho các nghiên cứu viên nông nghiệp. Hoạt động nghiên cứu có tính mục tiêu, tính phục vụ rất rõ ràng; tiếp theo là quan sát tỷ mỉ thực tế, đặt đối tượng trong tổng thể, tư duy logic, phân tích thấu đáo, biện luận chặt chẽ,…là những nét điển hình của các bài nói, bài viết, của các tác phẩm của Bùi Huy Đáp. Có phần chắc chắn rằng tính cách này ông đã lãnh hội được từ thời trẻ khi học tập trong trường. Đồng thời, học từ thực tế, giải pháp của nông dân bổ sung và kiểm chứng cho tri thức cơ bản từ sách vở, giúp ông nhanh chóng thu được kết quả, dù trong điều kiện cực kỳ khó khăn trước đây. Với ông, ba công đoạn phải có trong quá trình nghiên cứu: phòng thí nghiệm, trạm trại thực nghiệm và kiểm nghiệm từ sản xuất đại trà đều quan trọng như nhau và bổ sung cho nhau. Cách tiếp cận này cho phép rút ngắn thời gian từ nghiên cứu đến ứng dụng.
Nhờ vậy, ở thời kỳ nào ông cũng có những đóng góp được nông dân đánh giá, được Nhà nước khen ngợi. Ngay từ năm 1945, ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ nhiệm Phó Giám đốc Nha Nông chính khi ông mới 26 tuổi. Cùng với Đặng Văn Vinh, ông là 1 trong 2 kỹ sư canh nông được công nhận Chiến sĩ thi đua toàn quốc đầu tiên năm 1952 do Hồ Chủ tịch ký (báo Cứu Quốc, số 2051, 8 Tháng Tư 1952). Công trình Tổng kết kinh nghiệm và thực nghiệm chuyển vụ lúa xuân ở miền Bắc Việt Nam nâng lên thành lý luận và phát động thành phong trào quần chúng được Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước (1996) và còn nhiều huân chương, huy chương danh giá khác.
4. Lúa xuân – cuộc cách mạng xanh, tiền đề cho tái cấu trúc nông nghiệp
Đầu những năm 1960, Bùi Huy Đáp và cộng sự đã nhận ra rằng các giống lúa Xuân cao cây hiện có thời ấy đều cho năng suất cao hơn lúa chiêm truyền thống. Ông đề xuất phong trào nông dân làm ruộng thí nghiệm ở 2 tỉnh Nam Hà và Thái Bình. Kết quả là năm 1966 Hải Hậu trở thành huyện đầu tiên đạt 5 tấn thóc/ha và Thái Bình thành tỉnh đạt 5 tấn thóc/ha đầu tiên ở miền Bắc. Năm 1968, Bùi Huy Đáp đánh dấu sự nghiệp của mình bằng việc nghiên cứu kỹ thuật gieo trồng giống lúa mới (IR8) để hình thành vụ lúa Xuân và mở thêm vụ Đông ở miền Bắc nước ta. Tại Hội nghị khoa học quốc tế về cây lúa ở Bắc Kinh (1968), GS Bùi Huy Đáp đã trình bày bản báo cáo khoa học nổi tiếng “Cây lúa vụ Xuân và cuộc cách mạng xanh ở miền Bắc Việt Nam” gây tiếng vang trong giới học giả từ các nước trồng lúa.
Giống lúa xuân, ngắn ngày IR8 của IRRI (ở miền Bắc gọi là Nông nghiệp 8, ở miền Nam gọi là giống “Thần nông”), thấp cây cho năng suất cao (tiềm năng đến 8 tấn/ha) đã thay thế giống lúa chiêm dài ngày, cao cây, dễ đổ, năng suất thấp. Năm 1968, Hợp tác xã Hồng Thắng (huyện Hải Hậu, Nam Định) đã đạt sản lượng 4,5 - 5,0 tấn/ha (gấp 3 lần lúa vụ chiêm – 1,8 tấn/ha) và năm 1969 Hải Hậu đã đưa diện tích cấy lúa Xuân lên 70%. Cùng năm, Thái Bình đưa diện tích lúa Xuân lên 50% đều bội thu lớn, dẫn đến quyết định khẳng định vụ Xuân trở thành vụ chính vào năm 1970. Năm 1971, ông Bùi Huy Đáp đề nghị cho mở rộng vụ lúa Xuân ra toàn miền Bắc, làm mạ khay, mạ sân chủ động cung cấp đủ mạ theo lịch thời vụ. Thời gian sản xuất lúa xuân được rút ngắn lại, số ngày dư ra cho phép tăng thêm vụ Đông.
Thực tế ấy dẫn đến việc cho xã viên mượn đất của HTX để làm vụ Đông, nhờ vậy sản lượng lương thực nâng lên đột xuất. Cơ chế “khoán hộ” của ông Kim Ngọc, bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú từ chỗ bị phê phán lại được chấp nhận, đưa thành chỉ thị 100 của Trung ương Đảng (tháng 1/1981), một thay đổi lớn trong quyền sử dụng đất. Thành công của “Lúa Xuân – vụ Đông” tiếp tục tác động đến chính sách với sự ra đời Nghị quyết 10 (tháng 4/1988) của Đảng thừa nhận hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ - một cuộc cách mạng trong quan hệ sản xuất. Có thể nói công trình “Lúa Xuân - vụ Đông” chính là những yếu tố mới làm thay đổi cấu trúc kinh tế ngành nông nghiệp cuối thập kỷ 1960, mà ngày nay gọi là “Xây dựng lại”[3] nền nông nghiệp.
5. Trọn đời vì phát triển nông nghiệp, nông thôn
Ngày nay hay nói Tam Nông cho gọn, để chỉ 3 bộ phận hợp thành của xã hội nông thôn (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) mà công cuộc phát triển cần có trách nhiệm phải chuyển đổi. Đôi khi chúng ta tách rời từng mặt để giải quyết, nhưng trong các công trình của Bùi Huy Đáp và đồng nghiệp thì 3 mặt này hợp thành một chỉnh thể. Ví dụ, phát động phong trào hố xí 2 ngăn chính là giải quyết vấn đề phân bón đồng thời với vấn đề vệ sinh nông thôn và sạch nhà thì tốt ruộng.
Nếu có thể gọi là “trường phái nông học Bùi Huy Đáp” thì cơ sở của nó chính là sử dụng nghệ thuật sắp xếp hệ thống canh tác hơn là chạy theo yếu tố đầu vào. Ông thiên về các hệ thống canh tác nào ít phụ thuộc vào hóa chất như luân canh, xen canh, sắp xếp mùa vụ hợp lý theo thời tiết, cơ cấu cây trồng thích hợp làm sao tận dụng được không gian đồng ruộng, tận dụng tối đa nước và ánh sáng. Trên nền đó mới phát huy được yếu tố đầu vào (giống, thủy lợi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật). Ông tán thành quan điểm của chuyên gia FAO: thực ra gọi là giống lúa năng suất cao chưa hẳn đã chính xác, ngoài yếu tố giống, còn phải kể đến đóng góp của đầu vào cao mà giống yêu cầu.
Trong phân bón, giá trị của các loại phân hữu cơ khác nhau luôn được ông đề cao, khi thiếu mới phải dùng phân khoáng. Trong phân hóa học, sự duy trì cân đối các yếu tố được nhấn mạnh, chẳng hạn giữa N và P trong đất lầy thụt đồng chiêm trũng. Ông sớm nhận ra giá trị của các biện pháp sinh học thân thiện môi trường, khuyến khích và hướng dẫn sử dụng phân rác ủ, phân xanh, điền thanh, bèo hoa dâu thay vì chạy theo việc sử dụng phân đạm khoáng, vừa đắt vừa ô nhiễm môi trường. Những giải pháp này tận dụng các nguồn sẵn có tại nông thôn và dễ áp dụng đối với nông dân với nguồn lực có hạn.
Bèo hoa dâu là một cống hiến của Nông học Việt Nam cho Nông học nhiệt đới ẩm thế giới. Kinh nghiệm quí báu của nông dân Bich Du (Thái Bình) về sử dụng bèo dâu trong nghề trồng lúa được kỹ sư Nguyễn Công Tiễu khảo cứu và lần đầu tiên được ông giới thiệu bí mật thể cộng sinh cố định N “Azolla-Anabaena” tại Hội nghị Khoa học Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tại York Jakarta (Indonesia, 1927). Viện trưởng Bùi Huy Đáp cùng với GS Đào Thế Tuấn hướng dẫn KS Trần Quang Thuyết ở Viện Khoa học Kỹ Thuật Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu trong nhiều năm và đúc kết thành giải pháp nuôi bèo dâu trong nghề trồng lúa những năm 1960-90. Những năm 1980, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đã hợp tác với Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) nghiên cứu đi sâu chuyên đề này. Mặc dù ở ta các yếu tố tăng vụ, dùng phân đạm nhiều, công lao động đắt lên làm cho bèo dâu không còn vai trò như trước; nhưng TS Iwao Watanabe, C.P. Mamaril, J.C. Bunoan của IRRI đánh giá rất cao giải pháp sinh học này vì ở rất nhiều nước vẫn còn cần bèo dâu trong hệ thống lúa-bèo, lúa-bèo-vịt…
6. Người tôn trọng qui luật của tự nhiên
Ở cuối đời làm việc mặc dù sức khỏe đã kém đi, ông vẫn luôn trăn trở với những vấn đề Tam Nông. Nhiều suy tư, hoài bão còn gửi lại trong di bút “Hồi tưởng và Suy nghĩ” viết tháng 10/1996 nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập Viện Trồng trọt. Đọc xong, tôi tâm đắc nhất với ý tưởng của ông đó là nông học phải theo hướng Tiến hóa (évolution) chứ không phải cách mạng (révolution). Triết lý này ông tìm thấy rất sớm từ F. Angels, E. Bacon, H. Poincaré,…với dẫn chứng xác đáng[4] và nhắn hậu thế rằng: “Đây là những bài học sinh thái vỡ lòng, cần ôn lại một cánh nghiêm chỉnh trong tình hình hiện nay” (Bùi Huy Đáp, “Hồi tưởng và Suy nghĩ”, trang 19). Hình dung cứ như ông đang trên bục giảng thưở nào. Nếu cứ co cụm trong nông nghiệp, chăm chắm trong lĩnh vực hẹp của mình thì làm sao hiểu được triết lý thâm thúy của những triết gia trên nếu không có thầy Bùi Huy Đáp khai phá.
Tôi theo dõi thấy trong thổ nhưỡng học, cải tạo đất, chống xói mòn, các biện pháp chống lại thiên nhiên mạnh nhất (như cày máy tạo đường đồng mức trên dốc 45 độ, bậc thang làm ngay,…) lại bị mất đất dữ dội nhất, trong khi làm bậc thang dần với băng chắn bằng cây xanh lại hiệu quả bền vững hơn cả. Trong quản lý dinh dưỡng đất và bón phân, bón phối hợp hữu cơ-khoáng có lợi nhiều mặt; việc tuần hoàn chất hữu cơ duy trì độ phì nhiêu đất hay hơn là bón phân hóa học làm “chai” đất. Triệt phá rừng thì không công trình đê đập nào ngăn nổi lũ quét. Rừng ngập mặn không còn thì đê biển sao chống nổi bão tố. Tất cả những điều đó cho bài học rằng ứng phó và thích ứng với thiên nhiên vẫn là khôn ngoan hơn so với cai trị nó bằng những giải pháp thô bạo. Tôi cũng nhận ra ra rằng trong Tam Nông mọi can thiệp nhân tác phải thuận theo qui luật tự nhiên mới thành công, ngược lại, nếu “cách mạng”, tức là bác bỏ nó thì sẽ hứng chịu sự trả thù của tự nhiên.
7. Vị Tổng biên tập mẫu mực và việc truyền bá khoa học
Là nhà khoa học uyên thâm, đọc nhiều, viết nhiều, Bùi Huy Đáp còn là nhà phổ biến khoa học không mệt mỏi. Ngoài các tác phẩm lớn của ông mang tính chuyên khảo, ông cũng có những bài báo ngắn gọn, súc tích với ngôn ngữ dân giã dễ hiểu cho nông dân. Lứa nghiên cứu viên sau này chịu ảnh hưởng mạnh lối tư duy biện chứng của ông, cách đặt vấn đề, biện luận, kết luận rất logic, cho dù là quy nạp hay diễn dịch. Đọc lại các tác phẩm của ông từ loại kinh điển cho đến nhật báo, có thể học ở ông rất nhiều về cách chuyển tải, tính thuyết phục khoa học và văn phong trong sáng.
Ông có công lớn trong việc sáng lập Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp – một nguyệt san chính qui đầu tiên từ năm 1962, đến nay đã qua hơn 50 năm, là một tạp chí chuẩn mực về nông nghiệp giới thiệu cập nhật các thành tựu nghiên cứu và áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Bài Tạp chí được tóm tắt bằng 4 thứ tiếng Việt, Pháp, Trung và Nga để tiện trao đổi quốc tế. Vào những năm 1960 - 1990, đây là chỗ hiếm hoi có thể đăng tải các công trình nghiên cứu nông nghiệp một cách trọn vẹn.
Giản dị trong đời thường nhưng GS Bùi Huy Đáp rất nghiêm khắc trong việc viết lách. Tôi nhớ mãi lần đăng bài đầu tiên trên tạp chí này khi GS Bùi Huy Đáp còn là Tổng biên tập. Nội dung bài báo về các hợp chất mùn cơ trong đất nhiệt đới ẩm Việt Nam của tôi thực ra đã được đăng trên tạp chí “Thổ nhưỡng” Nga, do bà M.M. Kononova, nhà khoa học hàng đầu thế giới về chất hữu cơ đất, thẩm định. Tặng bài này cho Tiến sĩ O. G. Chertov, chuyên gia đất rừng từ Việt Nam trở về, ông bảo: “Anh qua được cửa ải này à, bản thảo của tôi sửa mãi mà bà ấy chưa cho qua đấy”. Về nước tôi đăng ở tạp chí KHKTNN Việt Nam chỉ là tóm tắt. Lần đầu là giao thiệp qua Biên tập viên, bản thảo được trả lại với vô số câu hỏi của Tổng biên tập, về sửa lại, lần hai sửa tiếp, đến lần ba đem cả tài liệu thô, trực tiếp thuyết trình với Tổng biên tập Bùi Huy Đáp rồi bài mới được đăng. Cái sự cẩn trọng của ông mà tôi chứng kiến nhắc nhở tôi trong suốt hơn 40 năm qua mỗi khi cầm bút viết hay thẩm định bản thảo của người khác.
Ngoài ấn phẩm chính trên đây phục vụ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý, ông còn chủ trương tờ Báo Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp phục vụ cho bà con nông dân và Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp nước ngoài cập nhật những thông tin nông nghiệp quốc tế. Như vậy, từ rất sớm, đối với ông người đọc đều bình đẳng như nhau, làm sao thông tin đến được quảng đại nhân dân – một quan điểm mà ngày nay gọi là quyền được thông tin.
8. Dấu ấn Bùi Huy Đáp trong giới khoa học nông nghiệp thế giới
Ảnh hưởng của GS Bùi Huy Đáp có tầm vóc quốc gia và quốc tế, mặc dù ông làm việc trong điều kiện thiếu thốn đủ bề, hợp tác với nước ngoài còn rất hạn chế và công nghệ tin học chưa mấy phát triển. Thời đó, tôi nhớ mãi những cung bậc cảm xúc trải nghiệm khác nhau khi nghe người nước ngoài nói về các mốc sản xuất lương thực của ta và cá nhân GS Bùi Huy Đáp.
Năm 1980, khi nghiên cứu chất hữu cơ đất lúa ngập nước ở Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI), tôi gặp một nghiên cứu viên người Pháp cùng bộ môn Hóa học đất dưới sự chỉ dẫn của Giáo sư F.M. Ponnamperuma. Anh ấy bảo: “Tôi đọc Bùi Huy Đáp, Nguyễn Khắc Viện, Hữu Ngọc,…trên Études Vietnamiennes rồi, mấy chục năm trước Việt Nam đã xuất khẩu gạo sang châu Phi, nay có những chuyên gia lúa tầm cỡ như Bùi Huy Đáp, mà lại thiếu ăn đến mức phải nhập bột mì là sao, vô lý, vô lý !”. Tôi thấy đắng lòng, không trả lời được, đành chỉ nói theo “Đúng là vô lý !”. Còn Tiến sĩ S.N. Prasad, người Ấn Độ, Trưởng bộ môn Canh tác của IRRI nhắc đi nhắc lại rằng IR8 đi vào cơ cấu cây trồng đồng bằng Bắc Bộ thật là ấn tượng.
Năm 1990, Viện Nông hóa Thổ nhưỡng bắt đầu tham gia Mạng lưới Đất dốc và đất chua Châu Á (ASIA-LAND NETWORK) của Tổ chức Nghiên cứu Quản lý Đất Quốc tế (IBSRAM). Lần đầu tiên Việt Nam có báo cáo tại Hội nghị hàng năm tại Bangkok, tôi trình bày đề cập sự kiện Việt Nam đã xuất khẩu 1,4 triệu tấn gạo, không ngờ phần thảo luận bị kéo dài, hội trường xoay sang tin mới này mà quên cả trao đổi nội dung chính của báo cáo là quản lý đất. TS Marc Latham, người Pháp, Giám đốc IBSRAM, nói lời kết: “Bất ngờ, ấn tượng, khó tin, nhưng là sự thật. Chúc mừng Việt Nam !”. Ông cũng nói thêm: lúa và đất lúa đã vậy, thì với đất dốc chắc các bạn sẽ làm tốt.
Khi tham gia Chương trình hợp tác Pháp-Việt “Nghiên cứu so sánh hệ thống nông nghiệp châu thổ sông Hồng và vùng đồng bằng Camague, Pháp”, tại labo của GS A.P. Conessa, Montpellier, có một đồng nghiệp thuộc phái hữu Le Pen không ưa gì Việt Nam hỏi: “Việt Nam đủ lương thực chứ?”, tôi đáp: “Quá đủ, còn thừa, xuất khẩu hơn hai triệu tấn đấy”. Lần khác, khi tôi tham gia soạn Hiệp định 3 bên Việt Nam-FAO-Sénégal, 1997, các bạn Sénégal bảo: “Dân tôi chỉ biết ăn sắn, được biết đến cơm là nhờ gạo Việt Nam xuất sang từ những năm 1930, bây giờ Việt Nam đã xuất khẩu gần 3 triệu tấn gạo, thật kỳ diệu”. Năm 2010, đến Sudan trong khuôn khổ Chương trình hợp tác Nghiên cứu Nông nghiệp hai nước, các bạn bảo: “Chuyên gia nhiều nước đến rồi, không thành công, phải mời các bạn, vì Việt Nam dẫn đầu thế giới về lúa gạo là nhờ nghiên cứu gắn với công tác khuyến nông theo phương pháp Bùi Huy Đáp”. Tên tuổi Bùi Huy Đáp được nhắc đến nhiều ở các nước châu Phi Pháp ngữ nhờ các công trình được trích dẫn của ông phần nhiều bằng tiếng Pháp.
Mỗi lần như vậy, trong tôi lại dâng trào cảm xúc như lời Bài ca năm tấn: “Có ai đã đi năm châu bốn biển, bạn hỏi có gì đẹp trong cây lúa Việt Nam ?. Đẹp lắm chứ anh hùng lắm chứ,… rất tự hào cùng cây lúa Việt Nam“. Tôi thầm cảm ơn Thầy Bùi Huy Đáp và những người làm lúa cùng ông đã cho tôi, công dân của một nước đói triền miên, có lúc phải ăn hạt bo bo, ý dĩ, lúa mạch nhập khẩu, nay được ngẩng đầu tự hào Việt Nam đã sánh vai với các cường quốc trồng lúa thế giới.
Ngày 30/4/2015
Nguyễn Tử Siêm, GS TS Nông nghiệp
Cố vấn trưởng Kỹ thuật Nông nghiệp Quốc tế
Thuộc Bộ Ngoại giao, Thương mại và Phát triển Canada
(Nguyên Cục trưởng Cục Khuyến nông và Khuyến lâm)
[1] RRA – Rapid rural appraisal; FFR – Farmer field research; FFS – Farmer field school.
[2] Trích bài thơ “Nỗi mừng nghe tin lúa” của Xuân Diệu, Tháng 9/1958.
[3] Tương đương với Reengineering trong tiếng Anh, Réconstruction tiếng Pháp hay Perestroika tiếng Nga.
[4] Xin xem trích dẫn của Bùi Huy Đáp trong “Hồi tưởng và Suy nghĩ” (1996).