Những quy định về bảo vệ môi trường trong thực hiện Luật Trồng trọt

Cập nhật vào ngày: 23 / 12 / 2020

Ngày 19/11/2018, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Luật Trồng trọt tại Văn bản Luật số 31/2018/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020. Đây là văn bản luật cao nhất trong quản lý về Trồng trọt bao gồm 7 chương 85 điều trong đó có nhiều quy định liên quan đến quản lý trồng trọt, chất thải và môi trường canh tác. Để Luật trồng trọt đi vào thực tiễn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 về việc hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt.

Ngoài những quy định về quản lý giống cây trồng, xã hội hóa công tác nghiên cứu chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực giống cây trồng, khảo nghiệm, kiểm nghiệm, chứng nhận sự phù hợp, cấp quyết định lưu hành giống cây trồng, cấp bằng bảo hộ, Luật trồng trọt còn có các quy định cụ thể đối với các hoạt động có tác động đến môi trường nhằm bảo vệ môi trường phát triển bền vững, cụ thể:

- Tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý chuyên ngành và địa phương trong sử dụng và bảo vệ đất canh tác nhằm hạn chế việc chuyển đổi đất bất hợp lý, gây thay đổi lớn về hiện trạng sử dụng đất lúa. Cụ thể, Điều 55, Luật trồng trọt quy định khi xác định cơ cấu cây trồng phải căn cứ vào tính chất lý, hóa học, đặc tính sinh học của cây trồng, trình độ khoa học và công nghệ, sử dụng ổn định và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế và định kỳ có đánh giá chất lượng đất.

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phải được cấp thẩm quyền phê duyệt, không làm mất đi các điều kiện để trồng lúa trở lại, không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa, không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa; trường hợp chuyển trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, được sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng nuôi trồng thủy sản với độ sâu không quá 120cm so với mặt ruộng. Các quy định này không chỉ góp phần quản lý tốt hơn diện tích đất trồng lúa, còn nhằm bảo vệ môi trường đất canh tác lúa trong phát triển bền vững sản xuất lúa và đáp ứng mục tiêu an ninh lương thực.

- Bảo vệ và sử dụng tầng đất mặt và nước tưới chuyên trồng lúa nước: Điều 57 của Luật Trồng trọt và các quy định khi xây dựng các công trình trên đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước có tác động đến tầng đất mặt thì phải bóc riêng tầng đất mặt (20-25cm) đó để sử dụng vào mục đích nông nghiệp. Việc xác định cơ cấu cây trồng, mùa vụ phải phù hợp với điều kiện nguồn nước, việc cung cấp nước tưới phải đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và mọi tổ chức cá nhân có trách nhiệm sử dụng nước tưới hiệu quả, tiết kiệm và trên cơ sở tái sử dụng nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước, thủy lợi và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Nhà nước khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt để sử dụng hiệu quả đầu vào, gây phát sinh chất thải thấp như công nghệ canh tác hữu cơ, công nghệ tưới nước tiết kiệm, canh tác không sử dụng đất, công nghệ sản xuất trong nhà kính, nhà lưới, công nghệ điều khiển tự động chế độ phân bón, nước tưới, công nghệ tự động, công nghệ phân tích môi trường sản xuất và ưu tiên ứng dụng cá công nghệ này đối với các vùng đất cát ven biển, đất có nguy cơ sa mạc, hoang mạc hóa (Điều 66, Luật trồng trọt).

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Điều 70 Luật trồng trọt có quy định rõ áp dụng các giải pháp phù hợp trong canh tác để thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính và khuyến khích tổ chức, cá nhân canh tác áp dụng các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời đối với vùng khó khăn, Điều 71 Luật trồng trọt còn quy định chế độ chính sách hỗ trợ trong việc canh tác trên vùng đất dốc, đất trũng, đất phèn, đất mặn, đất cát ven biển và đất có nguy cơ sa mạc hóa, hoang mạc hóa tuân thủ quy trình sản xuất để chống xói mòn, sạt lở, bồi lấp và suy thoái đất, bảo đảm phát triển bền vững. Đây là các quy định có ý nghĩa then chốt nhằm ngăn chặn và phục hồi các vùng sinh thái nông nghiệp có nguy cơ mặn hóa, phèn hóa, sa mạc hóa và hoang mạc hóa.

Một trong những điểm nổi bật của Luật trồng trọt là đã có quy định rõ về bảo vệ môi trường trong canh tác. Điều 72 Luật trồng trọt quy định tổ chức, cá nhân canh tác phải tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan; tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn khi sử dụng vật tư nông nghiệp trong canh tác có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng. Trong đó, Điều 76 đã quy định phụ phẩm cây trồng phải được thu gom, xử lý, sử dụng phù hợp, không gây ô nhiễm môi trường và lan truyền sinh vật gây hại; khuyến khích sử dụng phụ phẩm cây trồng làm nguyên liệu để sản xuất sản phẩm, hàng hóa nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Có thể thấy rằng, Luật Trồng trọt và hướng dẫn thực hiện Luật trồng trọt đã tạo khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội để thực hiện quản lý trồng trọt đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, khả thi nhằm phát triển ngành trồng trọt hướng đến sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng và từng bước hiện đại hóa, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, thích ứng biến đổi khí hậu, hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Để các quy định của Luật trồng trọt liên quan đến công tác bảo vệ môi trường đi vào thực tiễn sản xuất cần phải có các hướng dẫn và xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể nhất là các quy định về thu gom, xử lý phụ phẩm nhằm phát triển ngành trồng trọt hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng hiệu quả phụ phẩm trồng trọt cho các mục tiêu kinh tế./.

Nguyễn Đức Hiếu