Vụ đông xuân 2015-2016, Xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra đặc biệt nghiêm trọng
Theo báo cáo mới nhất của Cục Trồng trọt, vụ Đông Xuân 2015-2016, diện tích lúa có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn hán của các tỉnh ven biển khoảng 339.234 ha, chiếm 35,51 % diện tích xuống giống của vùng ven biển và chiếm 21,88% diện tích xuống giống lúa Đông Xuân 2015-2016 toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong đó, diện tích có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn hán nặng là 104.731 ha, chiếm 10,90 % diện tích xuống giống của vùng ven biển và chiếm 6,7% diện tích xuống giống lúa Đông Xuân 2015-2016 toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong các tháng đầu năm 2016, tổng lượng dòng chảy sông Mekong về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20-40% nên mực nước các trạm chính sông Cửu Long ở mức thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều.Khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ sẽ cao hơn, sớm hơn và sâu hơn cùng kỳ của mùa khô năm 2015 và so với trung bình nhiều năm.Trên sông Tiền, sông Hậu, độ mặn 4g/l có thể xâm nhập sâu khoảng 50- 60km tính từ cửa sông, có thời kỳ trên 70km. Độ mặn sẽ tăng cao và kéo dài từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 5/2016.
Vừa qua, Cục Trồng trọt đã tiến hành kiểm tra tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tại 4 tỉnh (Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang). Kết quả kiểm tra cho thấy diện tích lúa bị hạn, mặn của 4 tỉnh là khoảng 58.311 ha. Trong đó, diện tích lúa thiếu nước tưới là 10.691 ha; diện tích lúa thiếu nước tưới các tháng tiếp theo ước khoảng 47.620 ha.
(Nguồn: 19/2/2016)
Chỉ đạo của Thủ thướng Chính phủ, Phó Thủ thướng Chính phủ, Bộ NN & PTNT (Bộ trưởng, Thứ trưởng, Cục Trồng trọt)
· Đứng trước tình trạng trên, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: “Theo dự báo, tháng 3 sẽ là cao điểm của khô hạn, xâm nhập mặn và tình trạng này kéo dài tới tháng 6-2016. Vì vậy chúng ta phải tập trung cao độ, huy động các nguồn lực, triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp phòng chống hạn, xâm nhập mặn với mục tiêu cuối cùng phải giảm được tối đa thiệt hại do hậu quả của hạn hán, xâm nhập mặn gây ra”. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan phải hết sức quan tâm lo nước cho dân, trước hết là nước uống, nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất, kịp thời hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại theo quy định hiện hành để sớm ổn định cuộc sống, sản xuất.
Về kinh phí hỗ trợ, Thủ tướng nêu rõ: “Những gì đã có quy định rồi thì cứ cấp, cứ hỗ trợ, Chính phủ bảo đảm việc này. Những khoản kinh phí nào nảy sinh thì tổng hợp sớm để xin ý kiến chỉ đạo, xử lý. Không để xảy ra tình trạng phải chờ đợi kinh phí trong công tác phòng chống, khắc phục hậu quả của hạn hán, thiên tai”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng hết sức chia sẻ với những khó khăn của nhân dân vùng hạn hán, đồng thời đốc thúc các bộ, ngành chức năng. “Muốn có nước uống, nước sinh hoạt cho dân thì phải chở tới cho dân, phải hỗ trợ người dân những lúc khó khăn này, không thể để người dân nghèo phải đi xa mua từng lon nước”
(Nguồn: Báo Tuổi trẻ,29/2/ 2016)
· Phát biểu tại hội nghị về xâm nhập mặn ngày 17/2/2016 tại TP Cần Thơ, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý: nếu không có biện pháp quyết liệt, kịp thời thì thiệt hại lớn sẽ xảy ra. Ông Phúc yêu cầu phải có cách giải quyết nhanh và kịp thời, không nhất thiết “phải làm quy trình, thủ tục” bởi sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Ông Phúc cũng yêu cầu các cơ quan chức năng trình gấp nhu cầu hỗ trợ kinh phí chống hạn của các địa phương để Thủ tướng quyết định hỗ trợ sớm, thực hiện ngay sau hội nghị này.
Theo Phó thủ tướng, đồng bằng sông Cửu Long là khu vực chịu tác động của biến đổi khí hậu trực tiếp và sâu sắc nhất, nên ông giao trách nhiệm cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì cùng Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Tài nguyên và môi trường nghiên cứu biến đổi khí hậu một cách căn cơ để có biện pháp ứng phó chủ động.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghe đại diện tỉnh Hậu Giang báo cáo về tình hình hạn hán, nhiễm mặn chưa từng có trong buổi thị sát chiều 17/2/2016
(Ảnh:Chí Quốc)
· Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương khẩn trương tăng cường việc lấy ngọt từ nay đến 22-25/2 để tranh thủ trữ nước tối đa vào các hệ thống thủy lợi. Trước khi mở cống hoặc bơm lấy nước ngọt cần phải kiểm tra độ mặn để đảm bảo không lấy nước mặn quá mức cho phép vào đồng ruộng.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Cần thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn để vận hành, điều tiết công trình nhằm ngăn mặn, trữ ngọt hiệu quả vào hệ thống. Tổ chức đầu tư, đắp các đập tạm thời vụ để ngăn mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, dân sinh. Chuẩn bị máy bơm, vật tư xăng dầu dự phòng, sẵn sàng bơm lấy nước ngọt, trữ vào hệ thống kênh mương, đồng ruộng khi có điều kiện thuận lợi”.
Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát tại Hội nghị “Phòng chống hạn, xâm nhập mặn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long” tại Cần Thơ ngày 17/2
(Ảnh: Duy Khương)
· Chủ trì diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp ngày 17/2/2016 tại TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, chủ đề "Giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa và ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL", Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhận định, tình hình hạn, mặn đang xảy ra tại ĐBSCL là khốc liệt nhất trong gần 100 năm qua, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất. Ngoài ra, sản xuất lúa gạo còn gặp nhiều khó khăn thách thức khác như cạnh tranh gay gắt trên thị trường xuất khẩu. Về mặt chủ quan, hiện nông dân ĐBSCL vẫn còn tập quán gieo sạ quá dày, với lượng giống từ 180 - 200 kg/ha.
Do lượng giống gieo sạ rất cao dẫn đến tỷ lệ sử dụng giống lúa có phẩm cấp cao trong vùng thấp hơn rất nhiều so với các vùng miền khác trong cả nước. Mặt khác do sử dụng với số lượng lớn giống để gieo sạ đã dẫn tới tình trạng sử dụng lượng phân bón, thuốc BVTV tăng lên làm cho giá thành sản xuất tăng, chất lượng của lúa gạo giảm và gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường và lợi nhuận của người sản xuất lúa không cao.
Theo đó, tại diễn đàn, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã phát động chương trình giảm lượng giống lúa gieo sạ ở vùng ĐBSCL, với mục tiêu đến năm 2020, toàn vùng giảm lượng giống gieo sạ trung bình còn 80 kg/ha. Với diện tích gieo cấy toàn vùng đạt trên 4 triệu ha/năm, sẽ tiết kiệm được khoảng 300.000 tấn hạt giống lúa, tương đương với 4.500 tỷ đồng.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát động chương trình giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ tại vùng ĐBSCL
(Ảnh: Hội Nông dân Việt Nam)
· Cục Trồng trọt khuyến cáo: Từ hiện trạng sản xuất vụ Đông Xuân 2015-2016 và các dự báo, diễn biến khí tượng thủy văn vẫn còn nhiều phức tạp, để hạn chế tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2016, các địa phương cần tập trung chỉ đạo bố trí thời vụ sản xuất và thời gian xuống giống của các vụ Hè Thu 2016 và Mùa 2016 thật hợp lý, né tránh hạn, mặn, tập trung, nhanh và gọn. Thời vụ lúa Hè Thu, cần tập trung vào tháng 4, tháng 5, điều này phù hợp với chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và sắp xếp thời vụ sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Không xuống giống lúa Xuân Hè vì lượng nước phục vụ cho sản xuất lúa khan hiếm vào các tháng đầu năm 2016. Đối với những vùng không chủ động về nguồn nước, kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa nhằm tránh thiệt hại không đáng có.
Tình trạng khẩn cấp tại một số tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long
· An Giang
Khảo sát di động tại một số kênh, rạch giáp ranh tỉnh An Giang – Kiên Giang và khu vực nội đồng tỉnh An Giang, sau khi nhận thấy độ mặn có xu hướng tăng cao và xâm nhập sâu vào nội đồng Tứ giác Long Xuyên. Số liệu đo khảo sát nhanh vào ngày 4-2-2016 (26 tháng Chạp) ghi nhận: Độ mặn tại các trạm Thoại Giang 3 (kênh Rạch Giá - Long Xuyên), Kiên Hảo (kênh Kiên Hảo), Mỹ Hiệp Sơn (kênh Ba Thê) cùng ở mức 1‰ (g/l); các trạm Xã Diễu (kênh Xã Diễu), Cây Gòn (kênh Tám Ngàn), Phú Lâm (ngã tư kênh H7 - chữ U) 1,1‰; trạm Vĩnh Điều (kênh Vĩnh Tế) 1,5‰; trạm Vĩnh Cầu (kênh Ranh) 1,6‰. Ngoài ra, kết quả đo khảo sát trên kênh Mẹt Lung (cách cầu Mẹt Lung vào phía nội đồng khoảng 1km) đến 3,1‰. Ông Lưu Văn Ninh, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang, cho biết, thời gian đo khảo sát là lúc thủy triều xuống (hướng chảy từ sông Hậu vào) nên đây chưa phải là giá trị độ mặn cao nhất ngày.
Nhận thấy tình hình xâm nhập mặn diễn biến sớm và phức tạp, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh An Giang đã phối hợp đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) An Giang tiếp tục đo khảo sát di động vào ngày 16-2. Kết quả, độ mặn trên kênh Tám Ngàn (tại ranh giới An Giang – Kiên Giang và khu vực tiếp giáp kênh Rạch Giá – Hà Tiên) ở mức 1,4‰. Tại khu vực bến phà Vàm Rầy cũ (kênh Rạch Giá – Hà Tiên) và vị trí cầu Sóc Triết (kênh Tri Tôn), độ mặn 1,3‰. Tại cầu Tân Tuyến (kênh 10), cầu Tân Vọng 2 (ranh An Giang – Kiên Giang), cầu Kênh Ranh (ngã ba kênh Ninh Phước 2 – kênh Tri Tôn) và cầu Tân Chí Thành (cách cầu Xã Diễu về phía Kiên Giang khoảng 2,5km), độ mặn 1,2‰. Đến ngày 23-2, độ mặn tại các trạm Thoại Giang 3, Kiên Hảo, Mỹ Hiệp Sơn, Vĩnh Điều, Xã Diễu, Cây Gòn, Vĩnh Cầu và Phú Lâm từ 1,2 - 1,5‰.
· Bến Tre
Bến Tre là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi mặn xâm nhập. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng - Thủy văn tỉnh Bến Tre, đến ngày 28-2, ranh mặn 1‰ trên 3 sông lớn là Hàm Luông, Cửa Đại và Cổ Chiên vào sâu trong đất liền từ 57 - 68km. Như thế, gần như toàn bộ “đảo dừa” chìm trong nước mặn. Hiện tại, ranh mặn 4‰ trên sông Hàm Luông đã và sâu 50km; đặc biệt mặn 1 - 3‰ trên sông Hàm Luông đã tấn công đến vương quốc trái cây đặc sản, hoa kiểng, cây giống Chợ Lách. Trong khi đó, trên sông Cửa Đại mặn 4‰ đã vào sâu gần 50km, đến xã Quới Sơn, Tân Thạch thuộc huyện Châu Thành; trên sông Cổ Chiên mặn 4‰ lên đến xã Nhuận Phú Tân, Hưng Khánh Trung (khoảng 55 - 60km).
Vì nước mặn phủ trên diện rộng, người dân nhiều địa phương ở Bến Tre đang phải dùng nước máy nhiễm mặn.Một số nơi còn nước ngọt thì giá cả vô cùng đắt đỏ. Ông Nguyễn Văn Phong, chủ một cây nước tại thị trấn Ba Tri (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) cho biết: Tùy quãng đường vận chuyển, giá nước ngọt dao động từ 30.000 - 60.000 đồng/m³. Còn nếu đổi nguyên xe bồn 3m³ thì giá từ 120.000 - 160.000 đồng. Người dân sinh sống ở các xã: Vĩnh Hòa, An Hiệp, Tân Xuân, An Đức, Bảo Thạnh, Bảo Thuận… không có giếng nước ngọt thì phải đến thị trấn Ba Tri đổi nước về xài.
Trong khi đó, người dân các xã Thạnh Trị, Đại Hòa Lộc, Thạnh Phước... thuộc huyện Bình Đại “khát” nước ngọt trên diện rộng. Tại “rốn” nước ngọt giồng Bà Nhiên tấp nập xe đổi nước túc trực suốt ngày đêm để chở phục vụ người dân nhưng không kịp. Nhà máy nước thô ở xã Thạnh Trị lấy nước từ sông Ba Lai về phục vụ cho hơn 1.000 hộ dân các xã Thạnh Trị, Đại Hòa Lộc, Thạnh Phước… nhưng vẫn không đảm bảo vì sông Ba Lai đã bị nước mặn tấn công. Nhà máy nước tư nhân Trung Thành công suất 150 m³/giờ, phục vụ hơn 4.400 hộ dân thị trấn Bình Đại và một số hộ xã lân cận với giá 10.000 đồng/m³ nhưng không đáp ứng nổi nhu cầu của người dân.
· Hậu Giang
Kết quả quan trắc của cơ quan chức năng TP. Vị Thanh vào cuối tuần qua thì độ mặn đã tăng cao và nước mặn về sớm hơn khoảng một tháng so với cùng kỳ năm 2015 trên 2 tuyến sông trên sông Nước Trong và sông Cái Tư.
Kết quả độ mặn đo được tại cống Kênh Lầu (sông Cái Tư) là 2‰; ngã ba Nước Trong 1,5‰ và độ mặn tại điểm đo ở Khu căn cứ Tỉnh ủy là 0,4‰. Đối với các điểm đo dọc theo kênh xáng Xà No đoạn từ cầu Cái Tư đến phường V, TP. Vị Thanh thì nước vẫn bình thường, chưa bị nhiễm mặn.
Theo thống kê, toàn tỉnh Hậu Giang có khoảng 41.000ha đất canh tác có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn và xâm nhập mặn, trong đó có khoảng 26.000ha có nguy cơ bị nhiễm mặn, còn lại bị hạn và bơm nước chống hạn…Hiện tại, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các Sở, ngành chức năng đang tăng cường công tác dự báo, quan trắc mặn thường xuyên để chủ động thông báo cho người dân ứng phó kịp thời, nạo vét kênh mương để trữ nước ngọt, vận hành đồng bộ hệ thống cống đập cũng như chuẩn bị nhiều phương án ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn…
· Sóc Trăng
Ngày 23-2, ông Lương Minh Quyết, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, cho biết UBND tỉnh Sóc Trăng vừa công bố tình trạng thiên tai do xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh. Hiện trong tỉnh có 11.000 ha lúa (trong đó đa phần là lúa đông xuân và một phần nhỏ lúa xuân hè) bị thiệt hại do khô hạn và xâm nhập mặn. 6/11 đơn vị huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh đã bị mặn xâm nhập với độ mặn cao nhất hơn 10 phần nghìn.
Cụ thể, địa bàn bị ảnh hưởng gồm các huyện Long Phú, Trần Đề, Thạnh Trị, thị xã Ngã Nam, Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên…, trong đó huyện Trần Đề có đến 390 ha lúa bị thiệt hại trắng do đồng ruộng khô cạn, huyện Mỹ Xuyên có 439 ha lúa mất trắng, còn lại là lúa bị ảnh hưởng đến năng suất… Ước tổng thiệt hại gần 40 tỉ đồng.
Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng cảnh báo tình hình xâm nhập mặn sẽ tiếp tục xâm nhập sâu vào vùng ngọt vì từ nay trở đi là thời điểm gay gắt nhất của mùa khô.
· Tiền Giang
UBND tỉnh Tiền Giang vừa ban hành Quyết định 302/QĐ-UBND về việc công bố thiên tai xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh, cấp độ 1. Hiện nay, tình hình mặn xâm nhập gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân tỉnh Tiền Giang. Tại các huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang đã có gần 1.000 ha lúa bị thiệt hại do thiếu nước ngọt, hàng ngàn hộ dân thiếu nước sạch để sinh hoạt mùa khô. Tỉnh Tiền Giang đã và đang triển khai quyết liệt các biện pháp đối phó với hạn mặn như: bơm nước ngọt từ sông Tiền vào cung cấp cho ruộng lúa, đưa nước sạch từ thành phố Mỹ Tho đến phục vụ vùng cù lao, ven biển, xây dựng đường ống dẫn nước từ huyện Gò Công Tây vượt qua sông Tiền đến cù lao Tân Phú Đông, khoan giếng ngầm lấy nước ngọt, mở các vòi nước công cộng cấp miễn phí cho dân…
· Long An
Qua quá trình khảo sát đồng loạt về tình trạng xâm nhập mặn vào khu vực lúa mùa Đông Xuân trên địa bàn, Sở NN&PTNN Long An cho biết do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino gây khô hạn khiến cho hơn 3.200 ha lúa bị giảm năng suất. Ngoài ra, tình hình xâm nhập mặn sâu, các kênh, rạch đều cạn kiệt, có khả năng 10.500ha sẽ bị thiếu nước tại các huyện: Thủ Thừa (4.500ha), Bến Lức (1.000ha) và Tân Trụ (5.000ha).
Long An công bố thiên tai mức độ 2 (mức cao nhất), khi độ mặn trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây vào sâu đất liền 72-75 km tính từ cửa sông (quy định mức độ 2 là hơn 50 km).
· Kiên Giang
Từ đầu tháng 1 đến nay, nước mặn xâm nhập đã làm thiệt hại gần 900 ha lúa ở các xã ven biển huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, trên tuyến đê biển An Biên - An Minh chưa xây dựng hệ thống cống thủy lợi điều tiết nước, không có nguồn nước ngọt bổ sung để rửa và đẩy mặn, sản xuất vụ mùa phụ thuộc vào nước trời mưa. Do vậy, trước khi gieo sạ lúa đông xuân, nông dân đắp những bờ đập thời vụ giữ ngọt tạm nên dễ xảy ra tình trạng nước mặn xâm nhập đồng đất khi triều cường dâng cao và thiếu nước ngọt tưới cho lúa vào cuối vụ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, nước mặn từ biển theo sông Cái Lớn vào sâu trong nội đồng hơn 20 km; kênh Rạch Giá - Long Xuyên, kênh Cái Sắn và Đòn Dong nước mặn xâm nhập từ 5 - 10 km, với nồng độ ảnh hưởng đến lúa đo được 4 - 5‰. Dự báo, nước mặn tiếp tục xâm nhập sâu hơn, nồng độ tăng cao hơn và diễn biến phức tạp, nhất là vào giai đoạn cao điểm của mùa khô từ nửa cuối tháng 3 và tháng 4. Nguyên nhân do 4 cửa sông chính là Kinh Nhánh, Sông Kiên, An Hòa và Rạch Sỏi chưa đầu tư xây dựng công trình ngăn mặn, chủ động điều tiết nguồn nước. Ngoài ra, 2 huyện nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên là Giang Thành, Kiên Lương lúa đông xuân đang phát triển tốt, nhưng khả năng bị xâm nhiễm mặn là rất cao do cửa sông Tà Săng, Tam Bản và cửa Đông Hồ (Hà Tiên) chưa có công trình ngăn mặn; một số cống thủy lợi trên địa bàn 2 huyện này mặc dù đã đóng nhưng không ngăn mặn triệt để.
· Vĩnh Long
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Vĩnh Long, do đỉnh lũ trên sông Cửu Long xuất hiện khá sớm và ở mức thấp, tổng lượng dòng chảy về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm, nên trong mùa khô 2014- 2015 độ mặn vùng cửa sông Nam bộ sẽ cao hơn cùng kỳ năm 2014, đặc biệt tăng cao trong các tháng 2- 4/2015, do đó cần chủ động ứng phó với tình trạng khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn sớm và sâu. Dự báo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Long, toàn tỉnh sẽ có hơn 25.100 ha lúa vụ hè thu bị hạn phải hỗ trợ bơm tưới; gần 26.500 hộ dân ở nông thôn chưa sử dụng nước máy tập trung, hộ ở trong nội đồng sẽ gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Ngoài ra, toàn tỉnh có hơn 23.000 ha chịu ảnh hưởng biên mặn từ 2‰ - 5‰, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Vũng Liêm và Trà Ôn; đặc biệt, khi trường hợp độ mặn xấp xỉ 5‰, việc đóng cống ngăn mặn sẽ dẫn đến hơn 13.000 ha lúa hè thu ở huyện Vũng Liêm không thể tưới tự chảy do mực nước kênh, rạch xuống thấp.
· Cà Mau
UBND tỉnh Cà Mau công bố thiên tai cấp độ 1 trên địa bàn toàn tỉnh. Theo ngành nông nghiệp Cà Mau, tỉnh này có trên 49.300 ha lúa bị thiệt hại do nắng hạn và xâm nhập mặn. Trong đó, trên 35.220 ha lúa trồng dưới ao nuôi tôm, còn lại là trà lúa đông - xuân.
Cập nhật những tin tức mới nhất về xâm nhập mặn ĐBSCL
· Sáng 7/3, tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có buổi làm việc với các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về công tác phòng, chống xâm nhập mặn.
Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các bộ, ngành chức năng và 11 tỉnh/thành phố bị ảnh hưởng của tình trạng xâm nhập mặn trong vùng.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, từ cuối năm 2014, El Nino đã ảnh hưởng đến nước ta, làm cho nền nhiệt độ tăng cao, thiếu mưa… Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, gây thiệt hại nặng nề và tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất, dân sinh.
Các khu vực bị ảnh hưởng nặng là Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Theo dự báo, El Nino tiếp tục ảnh hưởng và kéo dài đến giữa năm 2016, trở thành El Nino kéo dài nhất được ghi nhận ở nước ta.
Trong thời gian còn lại của mùa khô, ở Đồng bằng sông Cửu Long, nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,5-1,5 độ C, cao nhất đạt 33-37 độ C, mùa mưa sẽ đến muộn, lượng mưa thiếu hụt so với TBNN từ 30-60%; dòng chảy hệ thống sông thiếu hụt so với TBNN từ 30-50%.
Do mùa mưa năm 2015 đến muộn và kết thúc sớm, dòng chảy thượng nguồn sông Mekong bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua nên xâm nhập mặn xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ trung bình nhiều năm gần 2 tháng, chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc xâm nhập mặn, trong đó các khu vực bị ảnh hưởng nặng nền nhất là khu vực sông Vàm Cỏ, các cửa sông thuộc sông Tiền, các cửa sông thuộc sông Hậu, ven biển Tây (trên sông Cái Lớn)...
Theo dự báo, mùa khô năm 2015-2016, xâm nhập mặn có khả năng kéo dài đến đầu tháng 6/2016, muộn hơn cùng kỳ TBNN khoảng gần 2 tháng. Cụ thể, tình hình xâm nhập mặn từ tháng 3 trở đi như sau: Các vùng cách biển 30 đến 45 km, nguồn nước ngọt xuất hiện rất ít và gần như không có khả năng lấy nước ngọt từ cửa sông, gây ra tình trạng thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt.
Các vùng cách biển từ 45-65 km, có khả năng bị mặn cao (> 4g/l) xâm nhập; nếu mùa mưa đến chậm, xâm nhập mặn có thể kéo dài đến tháng 6/2016; trong thời kỳ này, vào những đợt triều cường mặn sẽ xâm nhập sâu. Vùng cách biển xa hơn 70-75 km tuy ít gặp xâm nhập mặn 4g/l, nhưng cũng cần lưu ý trong các đợt triều cường và vẫn là vùng xâm nhập của nước mặn nồng độ dưới 4g/l, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt.
Để kiểm soát xâm nhập mặn trong khu vực, nhiều hệ thống công trình thủy lợi để ngăn mặn đã được quan tâm đầu tư xây dựng như: Quản Lộ-Phụng Hiệp, Tứ giác Long Xuyên, Ô Môn-Xà No, Gò Công... Các công trình này đã phát huy hiệu quả cao, góp phần kiểm soát xâm nhập mặn hằng năm, trong điều kiện không quá bất lợi. Với tình trạng xâm nhập mặn gay gắt đang diễn ra, các công trình này cũng đã góp phần đáng kể giảm thiểu thiệt hại.
Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực kinh tế và đời sống nhân dân của 9/13 tỉnh, thành phố trong khu vực (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang) đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, điển hình như Bến Tre có hơn 70% diện tích gieo trồng lúa bị thiệt hại. Cà Mau, Kiên Giang bị ảnh hưởng sớm từ cuối năm 2015, tổng diện tích lúa bị thiệt hại của 2 tỉnh này gần 85.000 ha...
(Nguồn: Báo điện tử của Chính phủ, 7/3/2016)
BTV: Nguyễn Đức Hiếu