Giải pháp về kiểm soát ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn

Cập nhật vào ngày: 14 / 10 / 2021

Trong khuôn khổ nhiệm vụ môi trường "Hội thảo tập huấn những quy định pháp luật BVMT nông nghiệp, nông thôn" nhóm thực hiện nhiệm vụ đã đăng tải bài viết Giải pháp về kiểm soát ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn trên website Nông nghiệp Việt Nam ((Link bài viết: https://nongnghiep.vn/giai-phap-ve-kiem-soat-o-nhiem-moi-truong-nong-nghiep-nong-thon-d304798.html).

Nội dung bài viết như sau:

Ô nhiễm từ vỏ bao bì thuốc BVTV và đốt phụ phẩm trồng trọt là vấn đề môi trường chính trong lĩnh vực trồng trọt.

Ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn do đâu?

Trong những năm gần đây, nông nghiệp nông thôn luôn giữ vị trí trọng tâm, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp và xuất khẩuNgành nông nghiệp, nông thôn hiện nay đang đứng trước những thách thức rất lớn về ô nhiễm môi trường do vấn đề phát sinh chất thải từ các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp và nông thôn và sức ép đô thị hoá, công nghiệp hoá khu vực thành thị và ven đô.

Nông dân Gò Dầu thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật cho vào thùng để tiêu huỷ.

Nông dân Gò Dầu thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật cho vào thùng để tiêu huỷ.

Việc quá lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón, kháng sinh, chất kích thích tăng trường, hóa chất bảo quản nông lâm thủy sản, chất thải chăn nuôi, giết mổ, tiêu hủy gia súc, gia cầm, chất thải làng nghề,… đang là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nông nghiệp nghiêm trọng.

Cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng môi trường yếu kém, trình độ, nhận thức của nông dân về BVMT còn nhiều hạn chế đang làm cho vấn đề ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn ngày càng trầm trọng hơn.

Trong 22 vấn đề môi trường được tổng hợp từ các địa phương năm 2020 từ các lĩnh vực thì ô nhiễm từ vỏ bao bì thuốc BVTV và đốt phụ phẩm trồng trọt là vấn đề môi trường chính trong lĩnh vực trồng trọt; ô nhiễm từ nước thải từ chăn nuôi và giết mổ là vấn đề môi trường chính trong chăn nuôi.

Ngoài ra còn có vấn đề ô nhiễm và lan truyền dịch bệnh từ nước thải và bùn thải có lẫn các thức ăn dư thừa là vấn đề môi trường chính đối với nuôi trồng thủy sản; ô nhiễm nước từ các nước thải từ các hoạt động sản xuất và rác thải trên hệ thống công trình thủy lợi đang là những vấn đề môi trường chính trong thuỷ lợi; ô nhiễm khói bụi từ cháy rừng là vấn đề môi trường chính lĩnh vực lâm nghiệp; nguy cơ xâm lấn mặn ở các cánh đồng muối là vấn đề môi trường chính của diêm nghiệp; ô nhiễm nguồn nước từ nước thải có hàm lượng hữu cơ cao là vấn đề môi trường chỉnh của các làng nghề (nhất là nhóm làng nghề chế biến nông sản, sản xuất giấy).

Đây là những vấn đề môi trường được 33/63 tỉnh đề cập, phân loại trong báo cáo công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn năm 2020.

Giải pháp khắc phục tổng thể

Trước thực trạng trên, để nông nghiệp, nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn, là vùng đất đáng sống hơn, cần tập trung các giải pháp giải quyết vấn đề môi trường nông nghiệp, nông thôn.

Thứ nhất, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, các đơn vị chức năng ở các địa hương cần làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường như rà soát các quy định hiện hành để bổ sung, sửa đổi, khắc phục các thiếu sót, tồn tại, bất cập trong bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở các quy định của Bộ/ngành.

Làm rõ trách nhiệm quản lý giữa các Bộ, ngành, trách nhiệm của Trung ương và địa phương để tránh chồng chéo, phân tán trong quản lý môi trường nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục rà soát và hoàn thiện các hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường nông nghiệp, nông thôn; nâng cao năng lực ứng cứu và khắc phục sự cố môi trường nông nghiệp, nông thôn ở những điểm nóng, những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.

Thứ hai, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn; nâng cao nhận thức về vai trò và trách nhiệm của các cấp, của mỗi người dân và cộng đồng trong công tác BVMT nông nghiệp, nông thôn.

Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngành nông nghiệp và phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với lực lượng thanh tra chuyên ngành môi trường và cảnh sát môi trường trong đấu tranh phòng chống các vi phạm pháp luật về BVMT trong sản xuất nông nghiệp.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và đa dạng nguồn vốn cho công tác bảo vệ môi trường.

Cần hạn chế và chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ mỗi vụ thu hoạch lúa.

Cần hạn chế và chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ mỗi vụ thu hoạch lúa.

Thứ năm, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn  nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho các cán bộ công tác trong lĩnh vực môi trường nông nghiệp, nông thôn.

Giải pháp khắc phục cho từng lĩnh vực cụ thể

Ngoài các giải pháp tổng thể trên, chúng ta cần tập trung vào các giải pháp cụ thể đối với từng lĩnh vực như sau:

Đối với lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật cần tiếp tục thực hiện công tác BVMT trong lĩnh vực trồng trọt được giao đặc biệt kiểm tra việc thu gom, xử lý và sử dụng phụ phẩm cây trồng tại các vùng trên cả nước; đẩy mạnh các giải pháp, các mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường; tiếp tục rà soát đề xuất loại bỏ các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ cao gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV, phân bón và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ….

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, thú y cần tiếp tục đánh giá hiện trạng môi trường, dự báo diễn biến môi trường; quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm; cải thiện và phục hồi môi trường; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi trên cơ sở điều chỉnh Chiến lược phát triển chăn nuôi; chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm và gia súc lớn, tạo sản phẩm an toàn; tiến tới xuất khẩu một số sản phẩm chăn nuôi có tiềm năng; kiểm soát tốt dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; tăng cường hoạt động kiểm dịch thú y, đẩy mạnh kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế sản phẩm động vật...

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp cần tăng cường thực thi pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, ngăn chặn hiệu hoạt động tác động tiêu cực tới môi trường như phá rừng, khai thác trái phép, cháy rừng; tăng cường sự hợp tác, phối hợp liên ngành ở trung ương và địa phương trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, …

Đối với lĩnh vực thủy sản – diêm nghiệp cần nâng cao năng lực quan trắc, cảnh báo môi trường lĩnh vực thủy sản bao gồm các nội dung: hoàn thiện mạng lưới hệ thống quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản; tăng cường nguồn lực (con người, thiết bị và tài chính) cho hệ thống quan trắc môi trường trong NTTS; xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp lý và văn bản kỹ thuật; quản lý và chia sẻ thông tin môi trường ….

Đối với lĩnh vực thủy lợi cần tập trung thực hiện các quy định về bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi, nhất là trách nhiệm của chủ sở hữu, chủ quản lý công trình thủy lợi và các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý các tổ chức,cá nhân vi phạm xả nước thải vào công trình thủy lợi, tập trung chỉ đạo, xử lý các điểm nóng ô nhiễm nước trong công trình thủy lợi;

Đối với lĩnh vực phát triển ngành nghề nông thôn cần củng cố, kiện toàn lại chức năng nhiệm vụ và bộ máy, nhân sự quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực ngành nghề nông thôn, làng nghề, nhất là tại các địa phương cấp huyện để thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước; thống nhất giao nhiệm vụ chủ trì quản lý nhà nước về lĩnh vực ngành nghề nông thôn, làng nghề cho ngành Nông nghiệp và PTNT theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ; rà soát, đánh giá thực trạng làng nghề hiện nay để xây dựng tiêu chí, đánh giá phân loại làng nghề; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT làng nghề, tăng cường năng lực cho các cán bộ làm công tác quản lý môi trường làng nghề cấp cơ sở.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về BVMT và hỗ trợ đầu tư nâng cấp các hệ thống xử lý môi trường tại cơ sở trong làng nghề; xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho làng nghề; xây dựng hệ thống thu gom, phân loại chất thải rắn. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện di dời các cơ sở sản xuất của làng nghề trong khu dân cư có nguy cơ cao ô nhiễm môi trường ….

Đối với lĩnh vực phòng chống thiên tai cần phố biến, thực hiện lồng ghép yếu tố rủi ro thiên tai vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực môi trường; định hướng giải pháp xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chí hướng dẫn lồng ghép, ban hành hướng dẫn việc lồng ghép, phố biến tới các Bộ ngành và địa phương để thực hiện lồng ghép; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thúc đẩy xây dựng các hoạt động đảm bảo môi trường sau thiên tai phòng tránh bệnh tật cho người dân vùng chịu ảnh hưởng thiên tai.

Thu Thủy