Rơm rạ rất nhiều giá trị, đốt bỏ thì quá phí!

Cập nhật vào ngày: 16 / 12 / 2022

Có 2 nhóm giải pháp kỹ thuật để xử lý rơm rạ gồm xử lý rơm rạ tại ruộng và thu cuốn rơm để làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm khác.

Rơm rạ phải có giá trị thị trường

Rơm rạ đã gắn liền với nông thôn Việt Nam bằng việc sử dụng cho sinh hoạt đun nấu và sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, rơm rạ bị bỏ lại và đốt ngoài đồng ruộng sau thu hoạch vì nhiều lý do.

Với việc đốt bỏ rơm rạ, chúng ta đã làm kết thúc một cách cưỡng bức dòng vật chất của cây lúa (đáng lẽ ra phải từ hạt lúa nảy mầm cho đến cây lúa sau thu hoạch và rơm rạ được sử dụng để bón đồng ruộng, như vậy sẽ khép kín vòng tuần hoàn), lãng phí một tài nguyên tái sinh và hàng hóa kinh tế. Vì vậy, rơm rạ phải có giá thị trường để kích hoạt thị trường đó hoạt động hiệu quả.

Nông dân miền Tây Nam bộ ứng dụng máy cuộn rơm rạ để thu hoạch rơm khô.

Nông dân miền Tây Nam bộ ứng dụng máy cuộn rơm rạ để thu hoạch rơm khô.

Trong quản lý rơm rạ, hiện nay có rất nhiều bất cập. Để chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng, cần phải khắc phục bằng các biện pháp với những bên có liên quan và những yếu tố như thể chế, chính sách, kỹ thuật, tài chính và kinh tế, văn hóa – xã hội...

Về thể chế, chính sách, cần đồng bộ các cơ chế chính sách hỗ trợ với các chính sách vi mô ở quy mô cộng đồng, hộ nông dân, phù hợp với quy mô sản xuất, nhận thức, khả năng đầu tư, khả năng nhân rộng và đáp ứng nhu cầu sử dụng tại chỗ cho các sản phẩm sau xử lý rơm rạ.

Mặt khác, cần song hành các quy định pháp luật về quản lý phụ phẩm trồng trọt, quy định về quản lý môi trường liên quan đến phụ phẩm trồng trọt với các cơ chế chính sách hỗ trợ về phát triển công nghệ, mô hình thu gom, xử lý, sử dụng và các chính sách tài chính khác để điều chỉnh, thu hút đa dạng đối tượng liên quan tham gia các hoạt động quản lý, xử lý và tái sử dụng phụ phẩm trồng trọt.

Sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm rạ

Về giải pháp kỹ thuật, hiện nay có 2 nhóm giải pháp kỹ thuật để xử lý rơm rạ sau thu hoạch bao gồm: Xử lý rơm rạ tại ruộng và xử lý rơm rạ bằng cách để tại ruộng.

Xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học làm phân bón hữu cơ là phương pháp dựa trên nguyên tắc bổ sung các chủng giống vi sinh để phân giải nhanh, giúp phân hủy hoàn toàn rơm rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ vi sinh giàu dinh dưỡng. Chế phẩm vi sinh học là sản phẩm tuyệt đối an toàn với người và động vật. Có 3 cách xử lý:

 

Người dân xã Thọ Xuân (huyện Đan Phượng, Hà Nội) vãi chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ trên những thửa ruộng mới thu hoạch lúa.

Người dân xã Thọ Xuân (huyện Đan Phượng, Hà Nội) vãi chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ trên những thửa ruộng mới thu hoạch lúa.

Thứ nhất là ủ đống: Áp dụng đối với những nơi có không gian (tại vườn/đồng) để chất thành đống rơm. Phương pháp này cần phối trộn thêm với một số nguyên liệu hỗ trợ và thường xuyên kiểm tra độ ẩm, nhiệt độ hoặc đảo ủ.

Thứ hai là lên luống: Thường phủ lên luống rau hoặc tạo luống trên đồng ruộng. Với các vườn cây ăn quả lâu năm, nông dân có thể phủ rơm trên bề mặt vườn hoặc quanh các gốc cây tạo thành gò. Điều này giúp tăng độ che phủ để giữ nước và bổ sung phân bón hữu cơ từ rơm sau phân hủy.

Cách thứ ba là phun (vung) chế phẩm trực tiếp trên đồng ruộng: Phương pháp này áp dụng được cho cả đồng ngập nước và đồng khô nhưng đảm bảo độ ẩm. Quá trình diễn ra sau thu hoạch và cần để một thời gian nghỉ trước khi cày ải. Cần kết hợp cày lật hoặc cày dầm để chắc chắn đứt gốc rạ (vì khi trở thành xác thực vật thì rạ mới phân hủy hiệu quả).

Ngoài ra, chúng ta còn có thể xử lý rơm rạ bằng cách để tại ruộng. Phương pháp này được áp dụng trên những cánh đồng không có nhu cầu canh tác. Phần lớn rơm rạ sau thu hoạch vụ trước được rải ra trên cánh đồng và các phụ phẩm nông nghiệp trên đất để ngăn xói mòn đất, giúp đất được nghỉ ngơi.

Gom rơm để trồng nấm, thức ăn chăn nuôi, đệm lót sinh học

Nhận thấy một số lợi ích khi mang rơm ra khỏi đồng ruộng, nông dân nhiều nơi đã chủ động thu gom rơm thành các cuốn rơm khô, gọn và nhẹ bằng cách thủ công hoặc sử dụng máy cuốn.

Đối với máy cuốn rơm, loại máy này chỉ hoạt động hiệu quả tại các khu vực đồng ruộng khô, chân ruộng cao. Trước khi áp dụng máy thu cuốn, cần lưu ý cắt sát gốc rạ khi gặt. Có 2 loại máy thu cuốn rơm gồm máy tự hành hoặc các loại máy nhỏ gọn (thường gắn theo đuôi máy cày có đủ mã lực).

Nông dân miền Tây trồng nấm rơm quanh năm.

Nông dân miền Tây trồng nấm rơm quanh năm.

Khi thu cuốn rơm, phần lớn rơm bên trên sẽ được thu gom, phần gốc rạ sẽ còn lại bên dưới và nằm trong đất. Với gốc rạ còn lại trên đồng, các đơn vị khuyến nông khuyến khích sử dụng thêm chế phẩm vi sinh học để xử lý làm phân bón hữu cơ. Đối với rơm thu được, đây sẽ là đầu vào cho các hoạt động sản xuất khác.

Chúng ta có thể sử dụng rơm để trồng nấm. Chu kỳ sinh trưởng và phát triển của nấm sản xuất từ rơm rất ngắn, từ lúc trồng đến khi thu hoạch chỉ sau 10 - 12 ngày. Khối lượng nấm thu được nằm trong khoảng 12 - 20% khối lượng nguyên liệu khô, phụ thuộc vào chất lượng giống nấm, kỹ thuật nuôi trồng và yếu tố khí hậu, tức là có thể thu hoạch khoảng 120 - 200kg nấm rơm từ 1 tấn rơm rạ.

Điều kiện áp dụng: Rơm khô được thu gom và xử lý theo đúng quy trình, kỹ thuật trồng nấm. Ngoài ra, điều kiện nhà xưởng/khu trồng trọt cần đáp ứng tiêu chuẩn cơ bản để đảm bảo năng suất và chất lượng sản phẩm nấm. Nhiệt độ thích hợp để nấm phát triển là từ 30 - 32 độ C; độ ẩm nguyên liệu (cơ chất) 65 - 70%; độ ẩm không khí 80%; pH = 7, thoáng khí.

Ngoài ra, bà con có thể sử dụng rơm làm thức ăn chăn nuôi. Cách làm này thường áp dụng đối với các hộ dân/trang trại chăn nuôi giai súc. Rơm, rạ có hàm lượng dinh dưỡng thấp. Tuy nhiên, sau khi ủ với urê sẽ trở thành loại thức ăn tốt, giàu dinh dưỡng cho trâu và bò.

Sau khi ủ 10 - 15 ngày, có thể lấy rơm cho gia súc ăn. Ngoài ủ bằng urê, có thể ủ rơm bằng vôi.

Hiện nay, có nhiều chế phẩm sinh học có thể giúp xử lý tốt rơm rạ làm nguồn phân hữu cơ cho đồng ruộng.

Hiện nay, có nhiều chế phẩm sinh học có thể giúp xử lý tốt rơm rạ làm nguồn phân hữu cơ cho đồng ruộng.

Rơm chỉ cần được ủ một lần (trong 1 - 3 tuần) trước khi cho trâu bò ăn và dự trữ được trong thời gian dài; ủ rơm tươi với urê giúp tăng giá trị dinh dưỡng của rơm. Trâu bò ăn rơm ủ urê kết hợp với hình thức nuôi bằng chăn thả sẽ không gầy yếu và đến mùa xuân thì cày kéo khoẻ, sinh sản tốt, đem lại lợi ích kinh tế khi người dân tiết kiệm chi phí mua thức ăn chăn nuôi.

Một cách khác để khai thác giá trị từ rơm khô, đó là sử dụng làm đệm lót sinh họcPhương pháp này thường áp dụng đối với các hộ gia đình nuôi gia súc/gia cầm.

Cơ chế hoạt động: Phối trộn men vi sinh với các nguyên liệu có độ trơ cao (không bị nước làm nát nhũn) như rơm rạ, trấu, xơ dừa, mùn cưa, lõi ngô, thân cây ngô khô... để làm đệm lót sinh học trong chuồng gia súc.

Quá trình lên men của vi sinh vật trong đệm lót sinh nhiệt làm tăng nhiệt độ chuồng, do đó cần chú ý đến vấn đề làm mát chuồng và chống nóng cho vật nuôi. Đệm lót sẽ thu nhỏ không gian chăn nuôi bởi nó chiếm một khoảng diện tích nhất định trong chuồng, vì vậy việc chăn nuôi ở mật độ cao sẽ gặp khó khăn.

Lớp đệm lót này giúp vật nuôi tăng sức đề kháng, tăng năng suất và chất lượng thịt; giúp chuồng giảm mùi hôi, giảm công sức rửa...

Nông dân nhiều nơi đã tận dụng nguồn rơm rạ làm thức ăn cho gia súc, giúp giảm rất nhiều chi phí sản xuất.

Nông dân nhiều nơi đã tận dụng nguồn rơm rạ làm thức ăn cho gia súc, giúp giảm rất nhiều chi phí sản xuất.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể sử dụng rơm làm sản phẩm thủ công. Phương pháp này sử dụng rơm rạ để tạo các sản phẩm thủ công như mũ rơm, chổi rơm, thảm rơm, giấy... và thường áp dụng khi người dân có kỹ thuật làm các sản phẩm thủ công từ rơm hoặc có nghệ nhân hướng dẫn trực tiếp.

Mỗi nhóm giải pháp sẽ sử dụng các công nghệ khác nhau từ hạn chế can thiệp, sử dụng chế phẩm sinh học hay các máy móc nông nghiệp... Áp dụng các kỹ thuật này sẽ giúp rơm rạ tiếp tục được sử dụng, làm gia tăng giá trị của cây rơm trong nông nghiệp. Các giải pháp này có thể áp dụng đa dạng từ quy mô lớn cho doanh nghiệp, hợp tác xã cho đến cả các nông hộ nhỏ lẻ.

Cần có những chính sách phù hợp nhằm khuyến khích nông dân thu gom, xử lý và tái sử dụng rơm rạ cho các mục tiêu năng lượng và sản xuất phân bón như phát triển các mô hình thu gom phù hợp theo quy mô nhóm hộ, hợp tác xã; phát triển các công nghệ xử lý, phối trộn để nâng cao giá trị kinh tế và giá trị sử dụng cho các sản phẩm sản xuất từ rơm rạ; phát triển và tổ chức hoạt động của thị trường cho các sản phẩm sản xuất từ rơm rạ, vỏ trấu nói riêng và phụ phẩm trồng trọt nói chung.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích, hỗ trợ về chính sách, tài chính (hỗ trợ cho vay, miễn giảm thuế...) và nhân rộng trong toàn quốc những sáng kiến của tư nhân trong thu gom và xử lý rơm rạ thân thiện với môi trường.   

Nguyễn Văn Thiết