Công bố chất lượng nước biển miền Trung sau sự cố môi trường
Sau 4 tháng sự cố môi trường biển miền Trung, 8g05 sáng 22-8, tại thành phố Đông Hà tỉnh Quảng Trị, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức công bố kết quả đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường biển bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.
Tại buổi công bố, GS.TS Mai Trọng Nhuận, Nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, đại diện nhóm chuyên gia nghiên cứu đã trình bày kết quả đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường biển tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Theo báo cáo, về chất lượng nước biển, kết quả phân tích 1.080 mẫu (lấy vào tháng 5), 331 mẫu (lấy vào tháng 6) và 68 mẫu kiểm chứng (lấy vào tháng 8) cho thấy các thông số lý hóa, dinh dưỡng, kim loại nặng trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn Việt Nam, đảm bảo với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước và nuôi trồng thủy sản. Các thông số sắt, phenol và xyanua, nguyên nhân chính gây ra sự cố môi trường, giảm đáng kể và nằm trong giới hạn cho phép. Cụ thể, quan trắc tháng 5 chỉ có 3,8% số mẫu có hàm lượng sắt vượt giới hạn cho phép ở Hà Tĩnh và Quảng Bình. Sau một tháng sau, chỉ còn 1,8% số mẫu có hàm lượng sắt cao hơn tiêu chuẩn và chủ yếu ở tầng đáy. Điều này cho thấy, hàm lượng sắt trong nước biển đã giảm đi đáng kể. Hàm lượng xyanua trong nước ở các mẫu lấy tháng năm là 0,002-0,1 mg/l, dưới ngưỡng giới hạn cho phép. Riêng thông số tổng phenol trong tháng 5 hầu như không phát hiện được hoặc có giá trị thấp (2-10 mg/l), đến tháng 6 chỉ có 2,7% số mẫu vượt giới hạn cho phép, chủ yếu là tầng đáy. Đến tháng 8/2016, phenol trong nước biển giảm đến giá trị nhỏ hơn giới hạn cho phép.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định hiện tại hầu hết các vùng biển miền Trung đều đã an toàn chỉ còn giới hạn một số vũng xoáy có khả năng tích tụ phenol mà các nhà khoa học chưa thể kết luận ngay được. Riêng vấn đề bơi lội, tắm biển, nuôi trồng thủy sản trên các vùng biển đã được xác định đã an toàn tuyệt đối (trừ các vũng xoáy ở bắc đèo Ngang, cửa biển Nhật Lệ - Quảng Bình), mũi biển từ Cửa Tùng ra đảo Cồn Cỏ - Quảng Trị và chân Mây - Thừa Thiên Huế). Thực tế, Bộ trưởng cũng đã cùng với các lãnh đạo đã xuống tắm biển và ăn hải sản tại Quảng Trị.Có mặt tại hội nghị, Tiến Sĩ Schroeder - một chuyên gia người Đức nhận định kết quả đánh giá dựa trên phương pháp lấy mẫu cụ thể, chi tiết của các nhà khoa học trên cho thấy độ tin cậy là rất cao.
Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT vẫn tiếp tục có những nghiên cứu đánh giá, giám sát để xác định chính xác chất lượng nước, chất lượng thủy hải sản để công bố một cách chính thức để người dân thực sự yên tâm trong hoạt động đánh bắt và tiêu thụ thuỷ hải sản từ các vùng biển này. Đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đồng quan điểm khi cho rằng ngay sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố chất lượng môi trường biển thì mới chỉ đạo cho Tổng cục Thủy sản cùng với các cơ quan liên quan đưa ra các phương án tiếp theo về phát triển sản xuất, đánh bắt thủy hải sản cho ngư dân.
Đây cũng là bài học lớn về bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn. Thông qua hoạt động thực tiễn cho thấy vấn đề môi trường nông nghiệp, nông thôn đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo tích cực, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, sự tham gia nghiêm túc, khoa học của các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành. Trong đó, Viện Môi trường Nông nghiệp cũng đã tham gia tích cực vào việc lấy mẫu, phân tích hàm lượng độc chất trong các mẫu nước, thuỷ sản, trầm tích và đang cùng với các cơ quan của Bộ tham gia giám sát chất lượng môi trường nước biển, trầm tích tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.
Đinh Việt Hưng
(Tổng hợp từ nhiều nguồn)