Nông nghiệp 2016: Vượt thách thức, duy trì tăng trưởng; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt mức kỷ lục 32,1 tỷ USD

Cập nhật vào ngày: 13 / 03 / 2017

Hôm nay (26/12), Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2016 và triền khai kế hoạch 2017. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và chỉ đạo; điều này thể hiện sự quan tâm, chú trọng rất lớn của Chính phủ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

 

Trong năm 2016, toàn ngành NN&PTNT đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những kết quả tích cực; tình hình sản xuất, kinh doanh được duy trì và có nhưng “bứt phs ngoạn mục”; qua đó, góp phần ổn định đời sống, bảo đảm an sinh xã hội của nhân dân và phát triển đất nước. Ba điểm sáng lớn mà Ngành đạt được là: Tăng trưởng được phục hồi sau 6 tháng tăng trưởng âm; xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục 32,1 tỷ USD, tăng hơn 6% so với 2015; vấn đề an toàn thực phẩm có sự chuyển biến căn bản, rõ nét, được cả hệ thống chính trị, xã hội đánh giá cao.

Căng mình ứng phó với thiên tai, sự cố

Năm 2016 là một năm cực kỳ gian nan, vất vả và khó khăn đối với ngành NN&PTNT. Từ đầu năm đến nay, liên tục quý nào cũng xảy ra thiên tai và đều ở mức độ khốc liệt. Đầu năm, trận rét đậm, rét hại lịch sử 60 năm xảy ra ở 14 tỉnh miền núi phía Bắc, gây ra thiệt hại rất lớn về sản xuất nông nghiệp. Tiếp theo đó là đợt hạn lịch sử tại các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên; hạn, mặn lịch sử (100 năm) ở Đồng bằng sông Cửu Long. Gần đây nhất, ở chiều ngược lại, từ đầu tháng 10/2016 đến nay, liên tục 8 tỉnh Nam Trung bộ hứng chịu 5 đợt mưa lũ lịch sử với lượng mưa lên đến 2.300mm - 2.700mm. Theo nhận định của các chuyên gia, chưa bao giờ khu vực Nam Trung bộ xảy ra tình trạng mưa dồn dập, lượng mưa  rất lớn và diễn ra trên diện tích rộng như vậy .

Thiên tai đã gây ra thiệt hại rất lớn (kể cả người và tài sản), đặc biệt đối với sản xuất nông nghiệp. Chỉ riêng đợt hạn, mặn trong những tháng đầu năm đã khiến 1 triệu người thiếu nước ngọt trong sinh hoạt, 300.000ha lúa bị thiệt hại năng suất từ 30-80% và cá biệt có những diện tích bị mất trắng. Còn vùng Nam Trung bộ, như ở Ninh Thuận, Bình Thuận có những diện tích 3 năm liền chúng ta không sản xuất được. Tây Nguyên có trên 100.000ha cây công nghiệp bị tổn thương do ảnh hưởng của hạn nghiêm trọng, hàng chục nghìn người thiếu nước uống. Theo số liệu tổng hợp mới nhất của Bộ NN&PTNT, tổng số người bị chết từ đầu năm đến nay là 253 người, tống số tiền bị thiệt hại là 39.000 tỷ đồng, 700.000ha lúa và hoa màu, 400.000ha cây ăn quả, 1.410 tàu thuyền bị chìm và phá hủy. Đây là thiệt hại rất lớn đối với ngành NN&PTNT.

Trong năm 2016, lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam đã phải kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ, huy động nguồn lực để thực hiện Kế hoạch ứng phó khẩn cấp đối với các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan. Tổng nguồn lực huy động cho ứng phó khẩn cấp được khoảng 26,4 triệu USD, đáp ứng 54,4% tổng nhu cầu cần hỗ trợ là 48,5 triệu USD. Và trong kế hoạch phục hồi từ nay đến năm 2020 theo tính toán của 18 tỉnh bị ảnh hưởng và tổng hợp của Bộ NN&PTNT ước tính là 23.537 tỷ đồng.

Chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai và sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung nên 6 tháng đầu năm, tăng trưởng ngành nông nghiệp giảm 0,18%. Hàng loạt các mặt hàng chủ lực, vốn là thế mạnh xuất khẩu như: lúa gạo, cà phê, cao su, sắn, tôm… đều sụt giảm cả về số lượng và giá trị. Về lúa vụ Đông Xuân, chỉ tính riêng ĐBSCL bị mất tới hơn 1,14 triệu tấn lúa (giảm -10,2% so với cùng kỳ) do ảnh hưởng của hạn hán. Với mặt hàng tôm nước lợ, trong 6 tháng đầu năm sản lượng chưa đạt 200.000 tấn (bằng 28% sản lượng theo kế hoạch).

Những pha “lội ngược dòng” ngoạn mục

Trong bối cảnh khó khăn dồn dập, liên tục xảy ra, Bộ NN&PTNT đã đề ra các giải pháp sát đúng và quyết liệt triển khai thực hiện, nên tăng trưởng ngành được phục hồi sau 6 tháng cuối năm. Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt khoảng 1,2%; giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) tăng 1,44%, trong đó: Trồng trọt giảm 0,9%, chăn nuôi tăng 5,4%; lâm nghiệp tăng 6,17%; thuỷ sản tăng 2,91%. Đây là kết quả quan trọng, khẳng định được sự chỉ đạo, điều hành đúng hướng và sự điều chỉnh sản xuất, kinh doanh kịp thời của cả ngành nên đã phục hồi được tăng trưởng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định: “Con số tăng trưởng GDP Ngành đạt 1,2% thể hiện sự cố gắng rất lớn của các địa phương, bà con nông dân, đường lối chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và của cả hệ thống chính trị. Trong kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV vừa qua, 70% ý kiến các đại biểu Quốc hội phát biểu tập trung cho nông nghiệp là chính. Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp bàn cũng chủ yếu về nông nghiệp; Chính phủ thì hầu như kỳ họp nào cũng dành một thời gian thích đáng cho nông nghiệp nên chúng ta đã giành được một kết quả trong một hoàn cảnh khó khăn, khốc liệt như vậy”.  

Thực vậy, để có thể lấy lại đà tăng trưởng ngành trong 6 tháng cuối năm, phải nhắc vai trò chỉ đạo, điều hành sâu sát và quyết liệt của Chính phủ, Lãnh đạo Bộ ngành cùng sự đồng hành vào cuộc của các địa phương. Như cơn bão số 1 (đầu tháng 8/2016) đã khiến 229.000ha, chiếm 45% diện tích lúa khu vực đồng bằng sông Hồng vừa cấy xong bị ngập lụt. Đích thân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, người vừa mới nhậm chức “tư lệnh” ngành NN&PTNT đã trực tiếp xuống  bàn với 4 tỉnh trọng điểm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão này gây ra. Cuối cùng, chúng ta đã có được vụ mùa bội thu với năng suất đạt từ 60-62 tạ/ha.

Nhờ chỉ đạo quyết liệt, trong năm 2016, mặt hàng rau quả đánh dấu sự phát triển mạnh vượt trội khi lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã “vượt qua mặt hàng gạo”, cán đích 2,4 tỷ USD, tăng 31,2% so với năm 2015. Tương tự, mặt hàng tôm nước lợ đã phục hồi và gia tăng mạnh mẽ sau khi Bộ ban hành kế hoạch hành động cụ thể cho 6 tháng cuối năm. “Với kế hoạch hành động quyết liệt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã trực tiếp chỉ đạo các hội nghị cùng với các địa phương về quản lý giống, nuôi và tiêu thụ, nên 6 tháng cuối năm sản lượng tôm đạt vượt 650.000 tấn. Đây là một mốc lịch sử đối với tôm. Bên cạnh đó, diện tích thả nuôi cũng được mở rộng lên 700.000 ha... Nhờ đó, xuất khẩu tôm cả năm nay ước đạt 3,2 tỷ USD” – ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết.

Lĩnh vực chăn nuôi cũng có sự “bùng nổ” mạnh mẽ trong năm nay với tổng đàn lợn tăng lên 29,1 triệu con (tăng 4,8%), đàn gia cầm tăng lên 364,5 triệu con (tăng 6,6%)…; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng 5,4% so với năm 2015. Đánh giá về tiềm năng phát triển chăn nuôi, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho  biết, năm nay, nước ta đã xuất khẩu được gần 600.000 tấn lợn hơi với giá trị đạt hơn 1 tỷ USD và thời gian tới, nếu làm tốt, bài bản hơn, chăn nuôi hoàn toàn có thể xuất khẩu được 2 triệu tấn.

Tựu chung lại, chính định hướng thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản kịp thời với giá cả hợp lý, có lợi cho nông dân, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản gia tăng ở mứ “kỷ lục”, cả năm ước đạt khoảng 32,1 tỷ USD, tăng 1,7 tỷ USD so với năm 2015; thặng dư thương mại đạt khoảng 7,5 tỷ USD. Nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng cao như cà phê  tăng 25,5%, hạt điều tăng 18,3%, hạt tiêu tăng 12,7%, thủy sản tăng 6,3%... và chúng ta vẫn duy trì được 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên.

Ba trục sản phẩm tạo đột phá chiến lược

Bước sang năm 2017, là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và Kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2016 – 2020 trong bối cảnh những khó khăn thách thức được dự báo vẫn chưa giảm hơn so với năm 2016, toàn ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu của ngành như sau:  Tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản: 2,5-2,8%; Tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành: 3,0 - 3,2%; Kim ngạch xuất khẩu: 32,0 - 32,5  tỷ USD; Tỷ lệ che phủ rừng: 41,45%;  Tỷ lệ xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới: 28-30%.

Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, trong năm 2017 Bộ sẽ cố gắng thực hiện 2 nhiệm vụ lớn: tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo trong năm 2017 phải tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng rà soát tập trung 3 trục sản phẩm, gồm: Sản phẩm quốc gia (bước đầu lựa chọn 10 sản phẩm chủ lực, có giá trị xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên); sản phẩm chủ lực thứ 2 là cấp tỉnh như vải thiều Bắc Giang, nhãn lồng Hưng Yên, na dai Lạng Sơn, xoài Cao Lãnh (Đồng Tháp) theo hướng mỗi địa phương có 1-2 sản phẩm; sản phẩm thứ 3 là trục sản phẩm đặc sản của địa phương như rau hoa, dược… “Tất cả các trục này, khi định dạng, hình thành xong phải có vùng sản xuất tập trung, phải có doanh nghiệp làm nòng cốt, đặc biệt khu vực trục sản phẩm quốc gia, tỉnh và phải có khoa học công nghệ, chính sách tác động, nhất là khâu tổ chức sản xuất, cần hình thành các hợp tác xã để tập trung sự liên kết…” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đối với từng sản phẩm quốc gia, sau này sẽ phân theo 3 cấp độ, Bộ trưởng chỉ đạo chung, từng đồng chí Thứ trưởng sẽ chỉ đạo các nhóm sản phẩm cụ thể. “Lãnh đạo Bộ, cứ 3 tháng một lần ngồi nghe tiến độ làm, các Thứ trưởng chỉ đạo doanh nghiệp, địa phương phải làm như thế nào. Việc này cần rất ít tiền, nhưng vẫn làm được việc mới giỏi. Tiền nhiều, nhưng không có phương pháp đúng chưa hẳn ra được việc”- ông Cường nói rõ thêm. Về đẩy mạnh trục sản phẩm của địa phương, Bộ cũng sẽ bàn sớm với một nhóm tỉnh để tập trung “thổi” thật mạnh sản phẩm của tỉnh bằng giải pháp tổng thể  theo tinh thần có doanh nghiệp nòng cốt, có chính sách vào, có liên kết vào, có tổ chức phối hợp với địa phương, doanh nghiệp, về mặt thị trường quyết liệt trên từng nhánh. Về sản phẩm cấp địa phương, Bộ sẽ chỉ đạo để phối hợp gắn giữa củng cố HTX, xây dựng nông thôn mới, phát triển sản phẩm có tính chất địa phương qua chương trình OCOP của Quảng Ninh.

Về chương trình xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng lưu ý, bản chất nông thôn mới là tiền của nông dân phải nhiều. Đó là mục tiêu số một của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Vì thế, chúng ta phải thúc đẩy sản xuất, tái cơ cấu trước biến đổi khí hậu, thị trường, yêu cầu của một nhu cầu mới; đồng thời bàn cách giải quyết cho được chỉ tiêu về môi trường.

Một lĩnh vực trọng tâm ưu tiên trong năm 2017 được Bộ NNPTNT xác định là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tính đến nay, cả nước đã xây dựng được 4.000 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn. Trong đó, đã phối hợp chặt chẽ với UBND TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn. Cái được lớn nhất trong năm 2016 là chúng ta cơ bản xử lý, giải quyết dứt điểm chất cấm (Salbutamol và Vàng Ô) trong chăn nuôi, tồn dư thuốc BVTV trên rau đã giảm một cách đáng kể.

Tuy nhiên, theo kết quả giám sát trên diện rộng, tồn dư thuốc BVTV trên rau có giảm nhưng vẫn ở mức cao, đặc biệt là tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thủy sản vẫn ở mức cao, chưa giảm một cách bền vững. Nguyên nhân cốt yếu là do việc quản lý vật tư nông nghiệp, đặc biệt là thuốc BVTV, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh cho chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt chưa căn cơ để giảm thiểu việc lạm dụng sử dụng của người dân, doanh nghiệp. Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, đối với ATTP, chúng ta phải có chiến lược, chương trình giám sát về giảm lượng vật tư, đặc biệt liên quan đến hóa chất đưa vào trong các sản phẩm nông nghiệp; trước hết giảm thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học, giảm dư lượng hóa chất, kháng sinh đối với tôm và hướng dẫn việc sử dụng thân thiện với môi trường.

Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, trong chiến lược tái cơ cấu, chúng ta cũng phải xây dựng chiến lược nông nghiệp Việt Nam theo hướng ATTP, thân thiện với môi trường, trong đó có nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy 4 trọng tâm về Năm cao điểm hành động về ATT của 2016, đó là: hoàn thiện thể chế; trực tiếp thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về vật tư đầu vào; xây dựng các chuỗi liên kết có xác nhận, giới thiệu, kết nối với người tiêu dùng và tăng cường công tác thông tin truyền thông./.

omard.gov.vn