Hội thảo Khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM

Cập nhật vào ngày: 14 / 12 / 2015

(Mard-08/12/2014): Ngày 06/12/2014, tại Hà Nội. Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo Khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Tham dự Hội thảo bao gồm 500 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp và các địa phương các Bộ, ngành có liên quan. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát và Bộ trưởng Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân đồng chủ trì Hội thảo.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT cho thấy, trong nhiều năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã liên tục phát triển với tốc độ cao. Tuy vậy, gần đây tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại, hiệu quả chưa cao, kém bền vững. Để phát huy cao hơn vai trò của nông nghiệp trong nền kinh tế, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Giải pháp quan trọng hàng đầu để thực hiện chủ trương này là đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật, bao gồm cả công nghệ cao. Do vậy, hệ thống các tổ chức nghiên cứu và chuyển giao được tăng cường, nhân lực được đào tạo, cơ chế chính sách có nhiều đổi mới. Tuy vậy, trước nhu cầu phát triển của ngành cần nỗ lực, đẩy mạnh hơn nữa phát triển nghiên cứu và chuyển giao khoa học và công nghệ, phát huy cao hơn vai trò của hệ thống các viện, trường, hệ thống khuyến nông, đặc biệt khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp.


Trong những năm qua, Nhà nước đã quan tâm tăng đầu tư cho nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp. Hệ thống nghiên cứu được tăng cường. Nhiều kết quả nghiên cứu  khoa học và công nghệ (KH&CN) đã được chuyển giao áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam. Các giống cây trồng mới như lúa, cao su, cà phê, tiêu… đã đạt năng suất cao hàng đầu thế giới. Việc áp dụng các quy trình công nghệ mới đã giảm chi phí đầu tư, góp phần tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế. Các hoạt động KH&CN vừa qua cũng đã góp phần tích cực vào việc đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn. Từ kết quả nghiên cứu đã góp phần tạo thêm ngành nghề mới, thêm việc làm mới ở nông thôn.


Mặc dù trong thời gian qua, KH&CN nông nghiệp đã đóng góp to lớn trong tăng trưởng ngành và thúc đẩy phát triển kinh tế của nước nhà, tuy nhiên, hoạt động KH&CN của ngành vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Nhìn chung, trình độ KH&CN nông nghiệp trong nhiều lĩnh vực của nước ta còn thấp và chậm phát triển, có khoảng cách khá xa so với thế giới và khu vực, chưa đáp ứng được yêu cầu là nền tảng và động lực phát triển kinh tế - xã hội. Thành tựu mới chỉ đạt được đối với một số sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra, lúa, ngô, tiêu, cà phê, cao su và một số cây trồng khác. Trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y, vẫn còn nhiều hạn chế, hàm lượng KH&CN của sản phẩm chưa cao. Chưa làm chủ được công nghệ tạo giống, vaccine, chế phẩm sinh học trong phòng chống dịch bệnh. Một số sản phẩm chăn nuôi, thủy sản chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, vai trò của KH&CN vô cùng quan trọng trong ngành nông nghiệp nói riêng và trong sự phát triển toàn xã hội nói chung. Khoa học và công nghệ góp phần vào hầu hết các vấn đề lớn của đất nước như viễn thám, biến đổi khí hậu, công nghệ gen… Trong tương lai, Việt Nam chúng ta phải phấn đấu trở thành nước có thứ hạng trên thế giới về nông nghiệp công nghệ cao.


Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, trong thời gian qua, hệ thống chuyển giao khoa học công nghệ nông nghiệp đã có sự phát triển mạnh về nguồn lực, cơ sở vật chất kỹ thuật. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động ứng dụng khoa học công nghệ chọn tạo giống, cây trồng vật nuôi; nông dân tham gia cải tiến khoa học kỹ thuật. Nhằm thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, Bộ sẽ khẩn trương hoàn thiện đồng bộ cơ chế chính sách đổi mới thúc đẩy, hoạt động khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn; hoàn thiện cơ chế đặt hàng sản phẩm KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; rà soát, chuyển đổi cơ chế hoạt động của các tổ chức khoa học công nghệ nông nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; triển khai thực hiện phân bố chi thường xuyên cho các tổ chức khoa học công nghệ công lập dưới dạng nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng.


Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, vai trò của doanh nghiệp ngày càng quan trọng. Đặc biệt, khi Luật KH&CN sửa đổi được thực hiện thì các doanh nghiệp có điều kiện phát huy vai trò của mình thông qua hình thức quỹ phát triển KH&CN…


Trong những năm tới, ngành nông nghiệp Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Cần thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ viễn thám vào sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh triển khai cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng nhất là giữa các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, tạo và ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. / T.H