Theo Báo cáo Công tác bảo vệ môi trường ngành nông nghiệp, nông thôn năm 2020 của Bộ NN-PTNT ước tính năm 2020, lượng chất thải phát sinh từ một số vật nuôi chính khoảng 60 triệu tấn chất thải rắn và 114 triệu m3 nước thải.
Trong đó, nước thải từ chăn nuôi lợn chiếm đa số với 75 triệu m3 (chiểm khoảng 65,7% tổng lượng nước thải của ngành chăn nuôi). Đối với chăn nuôi trang trại, kết quả điều tra khảo sát cho thấy 41,8% trang trại có thực hiện xử lý chất thải thông qua các công trình khí sinh học, 32,4% trang trại áp dụng ủ phân và 3,1% trang trại áp dụng các hình thức xử lý khác như nuôi giun, cá, phơi, bán,...
Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi và việc xử lý chất thải khác phải tuân thủ quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.
Tỷ lệ trang trại chăn nuôi thực hiện xử lý chất thải rắn tương đối cao (khoảng 96,1%) do phải thực hiện cam kết theo báo cáo đánh giá tác động môi trường và kế hoạch BVMT.
Đối với chăn nuôi nông hộ, tỷ lệ hộ chăn nuôi có áp dụng biện pháp xử lý chất thải trên 48%, trong đó có 59,7% cho hộ chăn nuôi lợn, 56,6% cho hộ chăn nuôi bò sữa, 48,4% cho hộ chăn nuôi bò thịt, 46,9% cho hộ chăn nuôi trâu; 29,1% cho hộ chăn nuôi gà.
Thực tế điều tra cho thấy nhiều địa phương chưa đạt được tỷ lệ bình quân chung trên. Các hình thức xử lý chất thải đối với các hộ chăn nuôi có xử lý gồm 48,5% ủ phân truyền thống (compost), 30,6% thực hiện quản lý chất thải theo VietGAP, 11% áp dụng khí sinh học và 6% sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý chất thải, 2,7% sử dụng đệm lót sinh học. Kết quả này cho thấy đã có nhiều chuyển biến trong quản lý chất thải chăn nuôi quy mô nông hộ.
Một số quy định mới về xử lý chất thải chăn nuôi
Năm 2018, Luật chăn nuôi ra đời, trong đó xử lý chất thải chăn nuôi được quy định rõ tại mục 2 chương 4. Điều 59, Luật Chăn nuôi quy định đối với chăn nuôi trang trại, chất thải chăn nuôi bao gồm chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ, nước thải chăn nuôi, khí thải và chất thải khác.
Việc xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ đối với chăn nuôi trang trại được quy định tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi sử dụng cho cây trồng hoặc làm thức ăn cho thủy sản.
Chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ chưa xử lý khi vận chuyển ra khỏi cơ sở chăn nuôi trang trại đến nơi xử lý phải sử dụng phương tiện, thiết bị chuyên dụng.
Vật nuôi chết vì dịch bệnh và chất thải nguy hại khác phải được xử lý theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường. Đối với nước thải chăn nuôi, khoản 3, Điều 59 Luật Chăn nuôi quy định: Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm thu gom, xử lý nước thải chăn nuôi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi trước khi xả thải ra nguồn tiếp nhận theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
Nước thải chăn nuôi đã xử lý đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi được sử dụng cho cây trồng;
Nước thải chăn nuôi chưa xử lý khi vận chuyển ra khỏi cơ sở chăn nuôi trang trại đến nơi xử lý phải sử dụng phương tiện, thiết bị chuyên dụng. Khoản 4, 5 Điều 59 còn quy định tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi và việc xử lý chất thải khác phải tuân thủ quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.
Đối với chăn nuôi nông hộ, Điều 60 Luật Chăn nuôi quy định chủ chăn nuôi nông hộ phải thực hiện các yêu cầu; Có biện pháp xử lý phân, nước thải, khí thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và không gây ảnh hưởng đến người xung quanh; Vật nuôi chết vì dịch bệnh và chất thải nguy hại khác phải được xử lý theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.
Để cụ thể hoá các quy định của pháp luật về chăn nuôi, trong đó có quản lý chất thải chăn nuôi, Chính phủ cũng ban hành nghị định 13/2020/NĐ-CP về Hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi trong đó chương 6 quy định chi tiết về xử lý chất thải chăn nuôi.
Khó khăn và thách thức
Mặc dù, hệ thống văn bản chính sách và pháp luật về BVMT đối với quản lý chất thải chăn nuôi ngày càng cải thiện, tuy nhiên, theo đánh giá của các địa phương việc đồng bộ triển khai từ trung ương, xuống địa phương còn nhiều hạn chế và khó thực hiện trong quản lý chất thải chăn nuôi.
Cụ thể, một số văn bản được ban hành nhưng việc quán triệt trong triển khai thực tế ở các địa phương chưa triệt để dẫn đến chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, không rõ về vai trò quản lý chuyên ngành như phê duyệt, thẩm định các báo cáo đánh giá tác động môi trường, kiểm soát việc thực hiện các cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi.
Một số nội dung chính sách có liên quan đến chuyên ngành chăn nuôi nhưng chưa tham vấn đẩy đủ về chuyên môn như ban hành QCVN62 về nước thải chăn nuôi dẫn đến khó thực hiện trong thực tế.
Các quy định về đánh giá tác động môi trường đối với cơ sở chăn nuôi lớn thuộc trách nhiệm của Sở Tài nguyên Môi trường, sự phối hợp liên ngành trong xây dựng báo cáo, vai trò, quyền hạn của các cơ quan quản lý chuyên ngành nông nghiệp ở địa phương rất hạn chế nên việc kiểm tra, giám sát các cơ sở này gặp rất nhiều khó khăn.
Một số chính sách ban hành nhưng thiếu nguồn lực dẫn đến việc triển khai không hiệu quả tại địa phương. Các nguồn lực của địa phương, nhất là các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách thường rất eo hẹp để đầu tư cho các hoạt động quả lý môi trường nói chung và môi trường chăn nuôi nói riêng.
Do đó, trong thời gian tới, Chính phủ và các Bộ/ngành cần ưu tiên nguồn lực, cơ chế chính sách cho các địa phương để giải quyết tốt hơn các yêu cầu về quản lý chất thải chăn nuôi đáp ứng các yêu cầu của Luật Chăn nuôi và Luật bảo vệ môi trường.
Hồng Dung