6 điểm chính của thỏa thuận lịch sử chống biến đổi khí hậu

Cập nhật vào ngày: 21 / 12 / 2015

Lần đầu tiên tất cả các quốc gia cùng cam kết tham gia cuộc chiến chống sự nóng lên của Trái Đất...

Đại biểu tham dự hội nghị COP21 tại Paris, Pháp ngày 8/12 trước một bản đồ về sự nóng lên của Trái Đất - Ảnh: Reuters.

Cuộc đàm phán của hơn 190 quốc gia thành viên Liên hiệp quốc về chống biến đổi khí hậu (COP 21) diễn ra ở Paris, Pháp đã đạt được một thỏa thuận mang tính lịch sử vào cuối tuần vừa rồi.
Với thỏa thuận này, đây là lần đầu tiên tất cả các quốc gia cùng cam kết tham gia cuộc chiến chống sự nóng lên của Trái Đất.
Dưới đây là 6 điểm cần biết về thỏa thuận này do hãng tin AP điểm qua:
1. Mục tiêu dài hạn
Mục tiêu dài hạn của thỏa thuận là đảm bảo sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C và “theo đuổi các nỗ lực” để hạn chế mức tăng nhiệt độ ở ngưỡng 1,5 độ C. 
Nhiệt độ trái đất đã tăng thêm khoảng 1 độ C từ thời tiền cách mạng công nghiệp.
Để đạt được mục tiêu trên, các chính phủ cam kết ngăn chặn sự gia tăng của lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính một cách “sớm nhất có thể”. Theo thỏa thuận, đến một thời điểm nào đó sau năm 2050, lượng khí thải do con người tại ra phải được giảm xuống mức mà các khu rừng và đại dương có thể hấp thụ hoàn toàn.
2. Mục tiêu khí thải
Để đạt được mục tiêu dài hạn nói trên, các quốc gia nhất trí đặt ra mục tiêu của từng nước về giảm lượng khí thải theo từng giai đoạn 5 năm. Hơn 180 quốc gia đã trình mục tiêu cho đợt cắt giảm đầu tiên bắt đầu vào năm 2020. 
Chỉ các quốc gia phát triển mới phải cắt giảm phát thải theo mục tiêu tuyệt đối, trong khi các quốc gia đang phát triển được khuyến khích để làm như vậy khi năng lực được cải thiện theo thời gian. Cho tới khi đó, các nước đang phát triển chỉ cần hạn chế tăng trưởng phát thải.
3. Rà soát mục tiêu
Các mục tiêu ban đầu sẽ là không đủ để đưa thế giới tiến tới đạt mục tiêu dài hạn về nhiệt độ. Bởi vậy thỏa thuận yêu cầu các chính phủ rà soát lại mục tiêu của mình trong vòng 4 năm kế tiếp sau mỗi giai đoạn 5 năm để xác định xem có thể cập nhật mục tiêu cho giai đoạn tiếp theo hay không. 
Việc này không đòi hỏi các chính phủ phải cắt giảm sâu mục tiêu phát thải. Tuy nhiên, hy vọng của thỏa thuận là các nước tham gia có thể làm như vậy nếu các nguồn năng lượng tái sinh trở nên có mức giá phù hợp hơn và hiệu quả hơn.
4. Minh bạch
Không có một chế tài nào đối với các quốc gia không đạt mục tiêu cắt giảm phát thải. Tuy nhiên, thỏa thuận có các quy định về minh bạch nhằm khuyến khích các quốc gia thực sự làm những việc mà họ đã cam kết sẽ làm. 
Đây là một trong những mảng khó khăn nhất để đạt được sự đồng thuận trong thỏa thuận này, bởi Trung Quốc đòi hỏi có những yêu cầu “mềm mỏng” hơn đối với các nước đang phát triển. 
Thỏa thuận yêu cầu tất cả các quốc gia báo cáo về mức phát tải và nỗ lực của mỗi nước về giảm khí thải. Tuy nhiên, các nước đang phát triển vẫn có thể “linh hoạt” ở mức độ nhất định trong vấn đề này.
5. Tài chính
Thỏa thuận quy định các nước giàu tiếp tục hỗ trợ tài chính để giúp các nước nghèo giảm phát thải và thích nghi với biến đổi khí hậu. Thỏa thuận cũng khuyến khích các quốc gia khác đóng góp tài chính trên cơ sở tự nguyện. 
Quy định này mở đường cho các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc đóng góp tài chính cho công cuộc chống biến đổi khí hậu, nhưng không phải là yêu cầu bắt buộc. 
Thỏa thuận không đưa ra con số cụ thể về mức đóng góp tài chính, nhưng các nước giàu trước đó đã cam kết cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm để chống biến đổi khí hậu đến năm 2020.
6. Thiệt hại
Một thắng lợi đối với các đảo quốc nhỏ chịu sự đe dọa của mực nước biển dâng là thỏa thuận bao gồm một mục công nhận “mất mát và thiệt hại” do thiên tai liên quan tới biến đổi khí hậu gây ra.
Mỹ từ lâu đã phản đối đưa vào thỏa thuận vấn đề này vì lo ngại những điều khoản như vậy sẽ dẫn tới đơn kiện đòi bồi thường cho thiệt hại gây ra bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Cuối cùng, vấn đề cũng được đưa vào thỏa thuận, nhưng lại đi kèm chú thích là “mất mát và thiệt hại” sẽ không dẫn tới trách nhiệm hay bồi thường của bên nào.

Nguồn: Diệp Vũ, Thời báo Kinh tế