Chất lượng nước thải của các nhà máy đường, nhà máy cồn và việc sử dụng trong canh tác nông nghiệp

Cập nhật vào ngày: 13 / 03 / 2017

Ngành công nghiệp mía đường ở Việt Nam đi vào hoạt động từ những năm 1995, đến nay đã có trên 40 nhà máy đang sản xuất. Bên cạnh rất nhiều lợi ích về mặt kinh tế lại có những hạn chế về mặt môi trường. Từ cây mía thành đường tinh phải trải qua rất nhiều công đoạn nên chất thải thải từ quá trình sản xuất tương đối nhiều, bao gồm: bã mía từ khâu nghiền ép, các hoá chất như Ca(OH), H3PO4... dư thừa trong quá trình loại tạp chất, chất thải, SO2, NaHSO3 dư thừa từ quá trình khử màu nước đường, khói, bụi, mùi trong quá trình sấy và làm lạnh đường. Ngoài ra phải kể đến lượng nước đường, mật đường rò rỉ trong quá trình sản xuất và các sản phẩm phế loại trong khâu nguyên liệu. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Sơn (2001) cho biết, tiêu tốn nước để ép 1 tấn mía là 13-15m3 nước, trong đó lượng nước thải ra cần được xử lý là 30%. Như vậy chỉ tính riêng vụ mía 2008-2009 ép được 9,65 triệu tấn mía thì lượng nước cần dùng là 144,75 triệu m3, và lượng nước thải sẽ khoảng gần 50 triệu m3. Số liệu khảo sát của Nguyễn Thị Sơn, 2001 của 9 nhà máy đường cũng cho biết, nhiều mẫu ô nhiễm màu và mùi, hàm lượng COD vượt quá tiêu chuẩn nước thải loại B 1,2 – 12 lần, BOD5 vượt quá 1,2 – 13 lần. Đặc biệt nước thải tại nhà máy sản xuất cồn, hàm lượng COD cao gấp 240 đến 950 lần, BOD5 cao gấp 11-450 lần và tổng cặn lơ lửng (SS) cao gấp 5-10 lần so với TCVN 5945 - 2005 về nước thải loại B. Những năm gần đây người dân đã sử dụng nước thải từ các nhà máy này để tưới cho cây trồng bởi nó chứa một lượng dinh dưỡng đạm, lân, kali cao. Tuy nhiên mức độ và giới hạn ảnh hưởng của chúng đến sinh trưởng phát triển của cây trồng cũng như chất lượng nông sản và môi trường đất vẫn chưa được kiểm tra. Trong bài viết này chúng tôi trình bày kết quả nghiên cứu về chất lượng nước thải một số nhà máy đường, cồn và thực trạng sử dụng chúng trong canh tác nông nghiệp.

Liên hệ: BBT iaehung@gmail.com để biết thông tin chi tiết

Tải về